Đồng nội tệ mất giá tác động ra sao đến kinh tế Malaysia?

Nhiều quốc gia đã áp dụng cách tiếp cận chiến lược để tăng cường hoạt động xuất khẩu trên quy mô toàn cầu, đó là cho phép đồng tiền nội tệ bị mất giá.

Đồng tiền ringgit của Malaysia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng tiền ringgit của Malaysia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng ringgit của Malaysia đã bị mất giá so với đồng USD trong giai đoạn trước năm 2024. Vào tháng 5/2023, Ngân hàng trung ương Malaysia phải tăng lãi suất lên 3%, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất này trong suốt cả năm để hỗ trợ đồng ringgit đang suy yếu.

Với lạm phát đã ổn định trong những tháng gần đây, việc xem xét các tác động kinh tế và thương mại của việc đồng ringgit mất giá là rất quan trọng. Theo chuyên gia kinh tế Doris Liew, chuyên gia kinh tế tại Viện Dân chủ và Kinh tế (IDEAS) tại Malaysia, chính phủ cần đánh giá tác động của việc đồng tiền nội địa mất giá đối với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, qua đó có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

Nhiều quốc gia đã áp dụng cách tiếp cận chiến lược để tăng cường hoạt động xuất khẩu trên quy mô toàn cầu, đó là cho phép đồng tiền nội tệ bị mất giá. Điều này xuất phát từ việc một đồng tiền yếu hơn sẽ giúp các sản phẩm xuất khẩu rẻ hơn đối với khách hàng quốc tế, giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu này, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách thương mại.

Chiến lược phá giá tiền tệ của Trung Quốc vào năm 2015 là một minh chứng về sự hiệu quả của cách tiếp cận này. Để khắc phục tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Trung Quốc đã lựa chọn làm suy yếu đồng tiền nội tệ, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ và trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nước ngoài. Điều này giúp hỗ trợ ngành sản xuất và củng cố vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới của Trung Quốc.

Ngược lại, các nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn có thể dễ dàng tìm thấy thị trường mới khi giá giảm. Do lĩnh vực xuất khẩu của Malaysia chủ yếu bao gồm các sản phẩm sản xuất chuyên biệt nên việc mất giá tiền tệ khó có thể có tác động tích cực đáng kể đến hoạt động xuất khẩu trong ngắn hạn.

Yếu tố thứ hai là các hạn chế về nguồn cung. Các công ty phụ thuộc nhiều vào vốn vật chất (như máy móc, nhà xưởng…) và nguồn tài chính phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc mở rộng quy mô hoạt động, ngay cả khi chi phí sản xuất giảm. Điều này có thể là do các công ty bị hạn chế trong việc tiếp cận các thiết bị, cơ sở hạ tầng và nguồn tài chính cần thiết.

Ví dụ, các ngành sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng nhanh chóng do chi phí cao và cần nhiều thời gian để mua và lắp đặt máy móc mới. Tương tự như vậy, các ngành có tính phức tạp chẳng hạn như dược phẩm, sản xuất chip và năng lượng có thể đối mặt với việc chậm hoàn thành tiến độ dự án do bản chất phức tạp của công việc, cũng như yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn. Mặc dù chi phí sản xuất thấp hơn có thể có lợi, nhưng việc khắc phục những hạn chế về nguồn cung cũng là yếu tố rất quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững.

Việc đồng ringgit bị mất giá không làm tăng đáng kể sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, trong khi đó lại làm tăng chi phí nhập khẩu của Malaysia. Do đó, việc đồng tiền bị suy yếu trong thời gian gần đây đã gây ra tác hại đáng kể cho nền kinh tế. Điều quan trọng là chính phủ cần phải ưu tiên các nỗ lực để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, bao gồm ban hành các chính sách khuyến khích tăng năng suất lao động, đa dạng hóa nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư để duy trì sức cạnh tranh trong dài hạn.

Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-noi-te-mat-gia-tac-dong-ra-sao-den-kinh-te-malaysia/340727.html