Dòng Păng Pơi đã cạn nước
Nhà văn Trần Hữu Tòng, người lính Công an vũ trang năm xưa, người đã có cuốn ký sự chân dung 'Bên dòng Păng Pơi' viết về Anh hùng LLVT Trần Văn Thọ ở nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, đã về cõi vĩnh hằng. Bài viết này như một nén hương để vĩnh biệt ông.
1. Vào một ngày gần cuối tháng 4 năm nay, Chi hội Nhà văn Công an tổ chức buổi gặp mặt tại công viên của nhà văn Hữu Ước ở Sóc Sơn (Hà Nội)… Trong buổi ấy, có nhà văn Trần Hữu Tòng.
Gặp lại chú Tòng tôi rất mừng vì thấy chú khỏe. Chú khoe rằng sau gần ba năm dịch bệnh, chú không bị dính con COVID nào. Bây giờ sức khỏe rất ổn… ổn theo kiểu người già!
Vẫn nụ cười đôn hậu, vẫn giọng nói miền Trung nhỏ nhẹ và rất tinh tế khi nhắc đến ai đó. Chú hỏi tôi về chuyện viết lách, rồi hỏi tôi lâu nay có lên được đồn biên phòng Leng Su Sìn không?
Nói về đồn biên phòng, ánh mắt chú trở nên xa xăm, dường như chú muốn bay về con suối Păng Pơi, bay về đỉnh núi là ranh giới giữa hai xã Leng Su Sìn và Sín Thầu, ngọn núi đó được bà con Hà Nhì gọi là "núi ông Thọ", con dốc đi lên đỉnh được gọi là "dốc ông Thọ" và những thửa ruộng nước dưới chân núi cũng được gọi là ruộng ông Thọ. Và trên đỉnh núi vẫn có ngôi mộ của Anh hùng Trần Văn Thọ. Mặc dù hài cốt của ông đã được đưa về quê ở Phú Thọ, nhưng bà con Hà Nhì vẫn xếp đá ở ngôi mộ cũ của ông.
Tôi biết chú Trần Hữu Tòng khi mới 10 tuổi, học lớp 5. Đó là vào năm 1965, tôi và cô em gái Như Hương theo bố (nhà văn Hoài An) lên ở tại Trường Bồi dưỡng Viết văn trẻ tại Quảng Bá (nay là Bảo tàng Nhà văn Việt Nam). Bố tôi là cán bộ tổ chức của trường. Trường ngày ấy chỉ có ba dãy nhà một tầng. Hội trường để làm phòng học chắc chỉ khoảng hơn 60 mét vuông. Các nhà văn về trường bồi dưỡng là những người đã có tác phẩm được in và được chính Hội Nhà văn lựa chọn. Thời gian học là 18 tháng và chủ yếu là nghe các nhà văn "bề trên" giảng về kinh nghiệm sáng tác. Các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Trung Thông… thường xuyên giảng dạy ở đây.
Khóa bồi dưỡng năm ấy là khóa 2 và có các cô, các chú như Lê Lựu, Đỗ Chu, Trần Công Tấn, Trần Hữu Tòng, Hữu Thanh, Vi Thị Kim Bình, Phượng Vũ… Ngày ấy, tôi cực kỳ ấn tượng về hai chú là Trần Hữu Tòng và Hữu Thanh, bởi hai chú là lính công an vũ trang. Thỉnh thoảng, các chú lại múa võ giữa sân cho mọi người xem và còn vật nhau… Chú Hữu Thanh (sau này làm Thư ký tòa soạn Báo CAND từ năm 1980 đến 1984) còn hay chặt sống bàn tay vào những gốc cây tre đằng ngà ngay trước cửa hội trường. Mỗi lần chặt, chú lại hét lên một tiếng lớn…
Thế rồi mãi đến khi học hết phổ thông, tôi mới được đọc cuốn ký sự "Bên dòng Păng Pơi" của chú Trần Hữu Tòng do bố tôi mang về. Tôi đọc cuốn ký sự một cách mê say và nhớ như in từng chi tiết như khi anh em công an vũ trang đến, người Hà Nhì ở Leng Su Sìn cắm cành cây trước cửa không cho vào nhà… Rồi tôi cũng đã rơi nước mắt khi đọc đến đoạn ông Trần Văn Thọ mất và bà con Hà Nhì khóc thương như thế nào.
Rồi chả hiểu sao tôi cũng lại đi vào con đường viết văn, viết báo, mặc dù thời đi học, tôi chả có chút năng khiếu nào về văn chương cả. Thứ duy nhất mà tôi có "khiếu" là ham đọc sách…
2.Khi tôi về công tác ở Báo CAND, tôi mới được gặp lại chú Hữu Thanh và chú Trần Hữu Tòng. Chú Tòng năm đó là Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thông tin. Và chính cuốn "Bên dòng Păng Pơi" đã như một động lực để thôi thúc tôi cuốc bộ từ huyện lỵ Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ) đi đến xã ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào là xã Sín Thầu. Mà muốn đi Sín Thầu thì phải qua Leng Su Sìn… Sau 5 ngày đi cật lực từ, vượt qua những con dốc dài hàng chục cây số như Tà Tổng, Nậm Vì, Nậm Xả, tôi cũng đến được đồn biên phòng Leng Su Sìn và ở lại đây 3 ngày. Và điều kỳ lạ là tôi có cảm giác như đã từng đến đây rồi… Hóa ra là những chi tiết trong cuốn "Bên dòng Păng Pơi" đã in dấu trong tôi. Từ gốc cây đa ở sân đồn, từ tiếng nước chảy của dòng Păng Pơi; rồi những bông sen ở ao sen góc đồn… Sau này, đồn đã được xây lại khang trang. Năm 2006, khi lên Leng Su Sìn, tôi đề nghị Ban Chỉ huy là phải giữ bằng được ao sen. Bởi chính Anh hùng Trần Văn Thọ là người mang sen giống từ dưới xuôi lên trồng.
Trong 3 ngày ở lại đồn biên phòng Leng Su Sìn, tôi tha thẩn đi "khám phá" và tôi không thể hiểu được là ngày xưa Anh hùng Trần Văn Thọ và những người lính công an vũ trang đã sống ở đây như thế nào mà để đến giờ, người dân vẫn nhắc đến với tất cả tấm lòng yêu quý, trân trọng và biết ơn.
Thế rồi tôi được gặp ông Trần Văn Thước, người từng cùng tổ với Anh hùng Trần Văn Thọ. Ông Thước lấy vợ là người Hà Nhì ở bản Sen Thượng, cách Leng Su Sìn khoảng dăm cây số. Ông Thước kể cho tôi câu chuyện đầy màu sắc lãng mạn và cực kỳ trong sáng của Anh hùng Trần Văn Thọ và chị Chu Chà Me… Nói về Trần Văn Thọ, ông rơm rớm nước mắt.
Nhưng khi lên đến Sín Thầu, tôi lại biết thêm một huyền thoại nữa về Anh hùng Trần Văn Thọ. Ông là người đặt tên hai em bé Hà Nhì ngày ấy là Kim Thu và Kim Thoa. Chị Kim Thu là cô gái xinh nhất Sín Thầu và là vợ của anh Pờ Dần Sinh, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu.
Sau chuyến đi ấy, tôi về viết phóng sự "Nơi ngã ba biên giới". Chú Tòng gọi tôi lên và hỏi chuyện về Leng Su Sìn. Rồi tôi hỏi chú ngày xưa, chú đi lên Leng Su Sìn thế nào. Chú mới cười và bảo: Đó là chuyến đi mà chú suýt chết.
Câu chuyện là thế này: Năm 1964, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang (sau này là Bộ đội biên phòng) cử Trần Hữu Tòng lên đồn Biên phòng Leng Su Sìn thuộc huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu để viết về tấm gương của liệt sĩ Trần Văn Thọ, một chiến sĩ Công an vũ trang sống với đồng bào Hà Nhì
Để đến được địa bàn đó, từ thị xã Lai Châu, Trần Hữu Tòng đã phải đi bộ 14 ngày đường, và đến nơi thì bị sốt rét. Trong ba tháng trời sống với đồng bào Hà Nhì, khi cơn sốt tạm ngưng là Trần Hữu Tòng đi thu thập tài liệu và viết. Khi tác phẩm hoàn thành thì cơn sốt quật chú xuống, không thể gượng dậy được nữa, người tóp lại, da vàng, tóc rụng, người quen gặp lại cũng khó nhận ra.
Khi đưa Trần Hữu Tòng về Hà Nội, trạm xá 254 không dám nhận vì chú đang trong tình trạng hấp hối. Chú được chuyển lên Viện Quân y 10. Và may mắn thay chú đã thoát hiểm sau một thời gian dài điều trị.
Quyển sách đầu tiên đã được ra đời trong hoàn cảnh như vậy, và chính quyển sách này góp phần không nhỏ để liệt sĩ Trần Văn Thọ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Sau này, chú Tòng viết nhiều và cũng chỉ chuyên viết về rừng núi, về những người lính biên phòng như : "Ngôi sao biên cương", "Dấu vết để lại", "Tín hiệu bình yên", "Cơn lốc rừng thông", "Bầy cọp núi", "Cánh rừng và hai vầng trăng", "Bếp lửa đêm rừng", "Phiên gác trăng tà"...
Bây giờ thì chú đã về với Anh hùng Trần Văn Thọ. Gặp lại nhau, chắc là 2 vị đều vui lắm!
Dòng Păng Pơi trong con người Trần Hữu Tòng đã cạn nước.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/dong-pang-poi-da-can-nuoc-i698154/