Đồng ringgit của Malaysia duy trì vị thế cao trong hệ thống thương mại toàn cầu

Theo báo cáo của Seasia Stats, đơn vị tổng hợp dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, đồng ringgit là một trong 20 loại tiền tệ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các giao dịch bằng đồng ringgit thông qua các thỏa thuận song phương và dòng vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu trong nước của Malaysia tiếp tục đưa đồng tiền này trở thành một trong 20 loại tiền tệ hàng đầu thế giới.

Ông Stephen Innes tại công ty tư vấn ngoại hối và hàng hóa SPI Asset Management nhận định, nhu cầu đối với đồng ringgit đang tăng lên trong bối cảnh Malaysia duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Singapore và các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á khác, qua đó giúp đồng ringgit duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu.
Đồng ringgit đã tăng giá lên mức cao nhất là 4,1990 so với đồng USD vào ngày 5/5/2025, tăng khoảng 6,2% so với đầu năm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong năm 2025. Theo báo cáo của Seasia Stats, đơn vị tổng hợp dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, đồng ringgit là một trong 20 loại tiền tệ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Seasia Stats là một nền tảng trực tuyến, trong đó chia sẻ nhiều số liệu thống kê về khu vực Đông Nam Á, bao gồm kinh tế, nhân khẩu học, văn hóa, y tế và công nghệ.
Trong thời gian qua, ngân hàng trung ương Malaysia đã nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính và thúc đẩy kết nối thanh toán kỹ thuật số nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng ringgit trong các hệ thống quốc tế. Theo dữ liệu của Seasia Stats, đồng USD tiếp tục thống trị các giao dịch quốc tế với thị phần 49,68%, tiếp theo là đồng euro là 22,24%, Bảng Anh là 6,51% và đồng yen Nhật là 4,03%. Một số đồng tiền trong khu vực như ringgit và baht của Thái Lan đều lọt vào top 20, chiếm gần 0,3%.
Theo ông Stephen Innes, mặc dù thị phần giao dịch toàn cầu vẫn còn khiêm tốn, song sự hiện diện trong danh sách không chỉ phản ánh quy mô của nền kinh tế, mà còn cho thấy vị thế chiến lược của Malaysia trong mạng lưới thương mại và tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng ringgit không phải là đồng tiền dự trữ mạnh, song ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong thanh toán thương mại, dòng vốn đầu tư và các thỏa thuận hợp tác tiền tệ ở khu vực.
Trong khi đó, Tiến sĩ Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd, cho biết cùng với nỗ lực của chính phủ, giá trị của đồng ringgit đã giúp Malaysia giảm thâm hụt tài chính xuống còn 4,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2025, so với mức 5,7% trong cùng kỳ năm ngoái. Một số biện pháp tài khóa quan trọng khác bao gồm việc tăng Thuế bán hàng và Dịch vụ (SST) từ 6% lên 8% vào ngày 1/3/2024 và trợ cấp dầu diesel có mục tiêu từ tháng 6, mở rộng cơ sở tính thuế SST trong quý I/2025, qua đó giúp tăng 30,3% nguồn doanh thu từ thuế.
Việc đồng ringgit được sử dụng nhiều trong thương mại quốc tế đã khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán và trái phiếu của Chính phủ Malaysia. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Malaysia đã tăng từ 115,5 tỷ USD vào tháng Một lên 120 tỷ USD vào cuối tháng Sáu, qua đó góp phần giúp tăng giá trị của đồng ringgit.

Thành Trung/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-ringgit-cua-malaysia-duy-tri-vi-the-cao-trong-he-thong-thuong-mai-toan-cau/380318.html