Đồng sáng lập iPOS.vn: 'Chúng tôi làm dịch vụ, không phải công ty phần mềm'

Định vị mình 'là công ty cung cấp dịch vụ để mang lại sản phẩm và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng cũng như hỗ trợ họ kinh doanh hiệu quả' đã ăn sâu vào tiềm thức toàn đội ngũ iPOS.vn từ các nhà sáng lập, và thấm nhuần vào văn hóa doanh nghiệp trong suốt 12 năm qua.

Đồng sáng lập iPOS.vn Đỗ Văn Vinh

Đồng sáng lập iPOS.vn Đỗ Văn Vinh

Gặp ông Đỗ Văn Vinh, đồng sáng lập iPOS.vn vào một chiều thu Hà Nội tại trụ sở chính tại tòa tháp Hòa Bình (quận Cầu Giấy). Vẫn nằm tại tầng 8 của tòa nhà số 106 Hoàng Quốc Việt đã hơn một thập kỷ, tuy nhiên văn phòng của iPOS.vn đã được mở rộng gấp 5 lần so với thời điểm bắt đầu.

Đáng chú ý, vào thời điểm mà các doanh nghiệp gặp khó vì Covid, iPOS.vn đã tìm cơ trong nguy, đẩy mạnh cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp F&B để có thể tồn tại qua khủng hoảng và hồi phục mạnh mẽ khi đại dịch qua đi. Cũng vì vậy mà ông Vinh cho biết, chỉ trong 2 năm qua, số lượng nhân sự trung bình tăng xấp xỉ 5-10% mỗi tháng, đi liền với sự phát triển “nóng” của startup này.

“Trong suốt 2 năm đại dịch, ngoại trừ thời điểm giãn cách xã hội, văn phòng của iPOS.vn hiếm khi tắt đèn sau 10h đêm. Bộ phận kinh doanh và kĩ thuật thường xuyên tăng ca ngày nghỉ để hỗ trợ và đào sâu insight (thấu hiểu) khách hàng. Bộ phận phát triển sản phẩm thường xuyên họp quá nửa đêm vì nhu cầu cấp bách của thị trường”, ông Vinh, người đồng thời giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ iPOS.vn, chia sẻ với TheLEADER.

Điều gì đã khiến ông và các cộng sự quyết định thành lập iPOS.vn?

Ông Đỗ Văn Vinh: Năm 2007, hầu hết nhà hàng ở Việt Nam đều dùng các phương tiện khá thô sơ như máy tính Casio, sổ sách hay hiện đại hơn thì lập bảng tính Excel. Các công cụ này đều dễ gây nhầm lẫn cho người chủ trong tính toán và dễ bị thất lạc. Dựa trên nỗi đau này, chúng tôi nghĩ đến việc làm một phần mềm tài chính kế toán để giúp cho các chủ cửa hàng “nhẹ đầu” hơn.

Nhờ cơ duyên, cũng trong năm đó, tôi được tiếp cận với một sản phẩm POS công nghệ mới từ Đức, thao tác sử dụng vô cùng đơn giản để lựa chọn món trên màn hình cảm ứng. Kể từ đó, 3 nhà sáng lập cùng lao vào nghiên cứu với tham vọng phát triển một sản phẩm sinh ra từ đất Việt.

Không khí làm việc ở iPOS.vn

Không khí làm việc ở iPOS.vn

Có triết lý nào mà đội ngũ sáng lập iPOS.vn vẫn luôn giữ vững trong suốt 12 năm qua trên hành trình phát triển sản phẩm hay không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Vinh: Quay lại đầu thập kỷ trước, các chủ cửa hàng chưa có ý niệm gì về chuyển đổi số. Họ chỉ cố gắng để mọi thứ có vẻ bắt mắt hơn, có tờ hóa đơn được in ra đưa cho khách cho chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian tính toán và tránh nhầm lẫn khi chốt sổ, lúc mà các chủ quán đã thấm mệt sau một ngày dài. Tức là, dù không có khái niệm chuyển đổi số, họ cũng đã có ý thức về sự chuyên nghiệp hóa và tư duy xử lý các vấn đề đang gặp phải.

Đó cũng chính là tôn chỉ của tôi và các cộng sự trong suốt 12 năm qua - luôn dựa vào các điểm đau đang tồn tại trên thị trường. Thậm chí, chúng tôi phải đón đầu bằng việc dò ra các vấn đề họ có thể gặp phải trong tương lai. Sản phẩm của chúng tôi sẽ không thể đóng gói hoàn chỉnh, vì luôn vận hành và phát triển liên tục theo nhu cầu của thời đại.

Trong hành trình phát triển liên tục đó, ông nhận thấy, công nghệ ngành F&B của hơn một thập kỷ trước khác gì so với hiện tại?

Ông Đỗ Văn Vinh: Mười năm trước, thị trường cũng đã có khá nhiều công ty triển khai hệ thống tính tiền cho nhà hàng. Tuy nhiên, hạn chế của họ là tư duy làm phần mềm chưa thực sự mạch lạc, khó sử dụng và chưa tự động hóa.

Chẳng hạn, thay vì chạy vào bếp để gọi món sau khi nhận yêu cầu từ khách, các phần mềm hiện đại hơn dù áp dụng công nghệ vẫn buộc người thu ngân phải bấm chọn lại một lần nữa sau khi nhận thông tin từ khách để chuyển yêu cầu xuống bếp. Điều này dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười như thu ngân lựa chọn sai hay thiếu món, dẫn đến bộ phận bếp không làm theo đúng yêu cầu của thực khách. Đồng thời, nhân viên mới gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình làm quen và sử dụng.

Chúng tôi không phải là công ty phần mềm đơn thuần. iPOS.vn định vị là một công ty cung cấp dịch vụ. Tức là, phải mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, từ hỗ trợ sử dụng sản phẩm, đào tạo con người, và hướng tới giúp khách hàng kinh doanh tốt hơn.

Ông Đỗ Văn Vinh

Đồng sáng lập iPOS.vn

Dựa trên điều đó, chúng tôi tiên phong trong việc cung cấp giải pháp in đơn tự động. Tức là, thu ngân chỉ việc đặt món, ghi chú món hay thay đổi số lượng. Sau khi xác nhận, thông tin cứ thế được tự động chuyển thẳng xuống bếp.

Hiện đại là vậy, ấy thế mà chúng tôi mất kha khá thời gian để thuyết phục các nhà hàng chuyển đổi, vì họ vẫn nghi ngại về khả năng tự động hóa này. Giờ đây, quy trình này đã trở thành tiêu chuẩn chung của cả ngành F&B.

Hồi đó, khái niệm quản lý từ xa là tính năng vô cùng xa xỉ. Ít người chủ có thể nghĩ đến việc xem điện thoại để biết bàn nào đang có khách, họ gọi món gì, mình thu được bao nhiêu tiền. Còn thời điểm hiện tại, có khi cả tháng mới thấy chủ quán xuất hiện (cười).

Từng làm sản phẩm SaaP (Software as a product), vì sao ông lại chuyển sang SaaS (Software as a Service) với giải pháp FABi?

Ông Đỗ Văn Vinh: Trước năm 2018, không chỉ doanh nghiệp lớn mà toàn thị trường đã có nhận thức rất lớn về máy tính tiền. Phần mềm SaaP với chi phí đầu tư ban đầu lớn không phù hợp với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi đã thử nghiệm thiết kế phần mềm tính tiền trên máy tính bảng Android, kết hợp với máy in Bluetooth và được khách hàng đón nhận vô cùng tích cực. Điều đó thôi thúc iPOS.vn sản xuất một sản phẩm chuyên nghiệp nhưng chi phí phù hợp với số đông.

FABi được ra đời năm 2018 với khát vọng thay đổi quy trình vận hành của cả ngành F&B tại Việt Nam. Hình ảnh về chiếc màn hình POS nhỏ, có thể cảm ứng vuốt chạm, đã trở thành kim chỉ nam trong chiến lược kinh doanh mới. Trong 2 năm đầu, sản phẩm này được hướng tới các khách hàng vừa và nhỏ, từ quán trà sữa đến mô hình xe đẩy. Tuy vậy, iPOS.vn không hướng tới duy trì 2 phần mềm song song mà tiến tới thay thế hoàn toàn sản phẩm cũ.

Từ năm 2020, chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp FABi cho các khách hàng lớn. Trong suốt 2 năm đại dịch, ngoại trừ thời điểm giãn cách xã hội, văn phòng của iPOS.vn hiếm khi tắt đèn sau 10h đêm. Bộ phận Kinh doanh và kĩ thuật thường xuyên tăng ca ngày nghỉ để hỗ trợ và đào sâu insight (sự thật ngầm hiểu) từ khách hàng. Bộ phận phát triển sản phẩm thường xuyên họp quá nửa đêm vì nhu cầu cấp bách của thị trường.

Tôi cho rằng, FABi phải dần có quá trình trưởng thành, từng bước đủ lực thay thế phần mềm cũ, đánh vào phân khúc nhỏ và dần dần thâm nhập phân khúc lớn hơn. Đó là tư duy phát triển của chúng tôi.

Chúng tôi không phải là công ty phần mềm đơn thuần. iPOS.vn định vị là một công ty cung cấp dịch vụ. Tức là, khách hàng phải có dịch vụ tốt nhất, từ hỗ trợ sử dụng sản phẩm, đào tạo con người, và hướng tới giúp khách hàng kinh doanh tốt hơn. Định vị này ăn sâu vào tiềm thức từ những người sáng lập, và thấm nhuần vào văn hóa doanh nghiệp.

Tư duy dịch vụ đã ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ iPOS.vn

Tư duy dịch vụ đã ăn sâu vào tiềm thức của đội ngũ iPOS.vn

Mục tiêu trong 10 năm tới của iPOS.vn là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Vinh: Tính đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái công nghệ cho ngành F&B của iPOS.vn đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn thiện. Tôi cho rằng, sản phẩm lúc này phụ thuộc vào năng lực đội ngũ, bên cạnh cải tiến sản phẩm, mang sản phẩm ra thị trường thì còn là kết hợp các sản phẩm trở thành giải pháp tối ưu cho từng mô hình kinh doanh khác nhau.

Tất cả nhân sự mới của iPOS.vn đều được yêu cầu đào tạo ít nhất 2 tuần và trả lương đầy đủ trong suốt thời gian học tập. Bên cạnh đó, mọi nhân sự kể cả các lãnh đạo phòng ban cũng phải học tập và kiểm tra qua hệ thống e-learning nội bộ hàng tháng. Trên hết, mục tiêu của chúng tôi trong nhiều năm tới vẫn là liên tục hoàn thiện để sản phẩm trở thành công cụ đắc lực cho sự phát triển kinh doanh của thị trường F&B tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dong-sang-lap-iposvn-chung-toi-lam-dich-vu-khong-phai-cong-ty-phan-mem-1669253943103.htm