Dòng sông Đồng Nai và hành trình 325 năm trên vùng đất Trấn Biên - Bài 4: Phát triển bền vững dòng sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai có vai trò rất quan trọng với Đông Nam bộ, Tây Nguyên trong cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy điện, du lịch. Tuy nhiên, trước áp lực dân số ngày càng tăng cùng tốc độ đô thị hóa nhanh tại khu vực này, đặt ra vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường của lưu vực sông; nhưng đồng thời phát huy được giá trị cảnh quan theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, lưu vực sông
Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM, cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của 20 triệu dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Bên cạnh đó, cung cấp nguồn nước cho 10 dự án thủy điện lớn (chưa kể các thủy điện nhỏ) qua hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai mà tiêu biểu là Nhà máy thủy điện Trị An. Dòng sông cũng chứa trong lòng nguồn tài nguyên thủy sản nước ngọt phong phú, là cơ sở để hình thành các làng bè, nghề nuôi trồng thủy sản.
Nằm trên lưu vực sông Đồng Nai có hệ thống rừng tự nhiên Nam Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai vẫn còn lưu giữ diện tích rừng tự nhiên thuộc loại lớn nhất nước, gắn liền với tên gọi Rừng chiến khu Đ - là nơi còn lưu giữ các di tích lịch sử cấp quốc gia như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, địa đạo suối Linh. Chính vì giá trị to lớn, nhiều mặt của con sông nên cần phải đề cao công tác bảo vệ nhằm phát triển bền vững.
Trong định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai đã quy hoạch 32 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, các cụm công nghiệp không bố trí nằm ven sông Đồng Nai, định hướng trong tương lai, tỉnh cũng không quy hoạch cụm khu, công nghiệp nằm ven sông nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan ven sông.
Theo các chuyên gia, trong tương lai gần, tầm quan trọng của dòng sông ngày càng lớn hơn đối với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ. Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sẽ kéo theo nhu cầu mở rộng, phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp và là lợi thế lớn trong phát triển các tuyến du lịch đường sông đặc sắc của vùng Đông Nam bộ.
Ông Lê Hoàng Quân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM) cũng cho rằng: “Thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên của dòng sông cho thấy cần phải bảo vệ nghiêm ngặt môi trường và lưu vực sông Đồng Nai. Trong đó phải bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu nguồn ở Lâm Đồng - Bình Dương - Bình Phước - Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước trong lành; xử lý nguồn nước thải sinh hoạt tại các địa bàn dân cư và các khu công nghiệp dọc hai bên sông Đồng Nai trước khi thải ra sông; đặc biệt là hạn chế khai thác nguồn cát sông để chống sạt lở hai bên bờ sông và chú ý quy hoạch chăn nuôi thủy sản trên mặt sông để hạn chế ô nhiễm nguồn nước”.
Kiến tạo những đô thị ven sông
Nằm kề TP Thủ Đức (TPHCM), huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được quy hoạch là một trong những đô thị vệ tinh của TPHCM. Trong năm 2023, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây, UBND huyện Nhơn Trạch đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này.
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết, đến năm 2040, Nhơn Trạch sẽ trở thành thành phố cảng, và huyện đang rà soát lại các quy hoạch trước đây, gom lại các cảng nhỏ để hình thành cảng lớn. Nhơn Trạch có 8 khu vực quy hoạch, trong đó khu vực ven sông 19.000ha. Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án đô thị, phát triển các dự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ nhằm tận dụng, khai thác lợi thế của tuyến đường sông Đồng Nai, tạo sự cân đối trong phát triển đô thị ven sông giữa huyện Nhơn Trạch với TP Thủ Đức (TPHCM).
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã có định hướng thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị chất lượng cao ven sông Đồng Nai và xem mặt tiền sông là trục chính để phát triển hạ tầng, cảnh quan, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị ven sông với quy mô ngày càng lớn trong thời gian tới. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng các tuyến giao thông công cộng kết nối bến giao thông đa phương tiện, trong đó có kết nối của sân bay Biên Hòa với các tuyến giao thông ven sông. Tận dụng lợi thế sông nước của các cù lao như Cù lao Phố (Cù lao Hiệp Hòa), Cù lao Ba Xê xây dựng thành các trung tâm thương mại tài chính, du lịch sinh thái - vui chơi giải trí cấp vùng Đông Nam bộ.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, qua việc quy hoạch xây dựng đường ven sông Cái cho thấy, tỉnh Đồng Nai đã có điều chỉnh quy hoạch khá tốt nhưng mới chỉ là bước đầu. Bước kế tiếp là phải có kế hoạch chỉnh trang xứng tầm trục giao thông mới, có quy hoạch những lô đất lớn, diện tích nhỏ nhất từ 500m2 trở lên, khuyến khích xây cao lên theo quy hoạch và tất nhiên là những di tích lịch sử văn hóa phải giữ lại. Việc quan trọng là cần có kế hoạch chỉnh trang khu vực Cù lao Phố trở thành điểm nhấn quan trọng về kiến trúc của đô thị Biên Hòa. Theo đó, cần có tuyến đường ven sông quanh Cù lao Phố được thiết kế tốc độ nhỏ, phù hợp các loại xe điện, xe đạp, đi bộ cùng những công viên để tạo không gian xanh, không gian mở, không gian công cộng, phục vụ sinh hoạt của người dân đô thị và không nên phát triển địa ốc nhiều quá để đảm bảo hài hòa với các di tích văn hóa - lịch sử đang có.
Với các di tích giá trị thì cần khoanh vùng, tạo không gian bao quanh, kết nối để tạo tuyến du lịch xanh. Đặc biệt “cần có một quảng trường lớn, xứng tầm có thể tập trung ít nhất 500.000 người để tổ chức các lễ hội lớn ven sông. Tập trung đông người nhưng người dân và du khách đến đó bằng phương tiện giao thông công cộng chứ không bằng phương tiện cá nhân, để tổ chức kết nối giao thông”, KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị.