Sông Nậm Tôn từng là con sông có nguồn lợi thủy sản phong phú, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn người dân ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Sông Nậm Tôn không lộ thiên hoàn toàn mà nhiều đoạn chảy ngầm, luồn sâu dưới các dãy núi.
Ông Nguyễn Viết Xuân (trú xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) cho biết, trước đây người dân địa phương vẫn thường lấy nước dưới sông Nậm Tôn để uống, đun nấu, sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp. Tuy nhiên, gần đây dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước không còn sử dụng được.
Theo người dân địa phương, sông Nậm Tôn bắt đầu bị ô nhiễm từ thời điểm những mỏ khai thác quặng ở Quỳ Hợp đi vào hoạt động. Dòng nước Nậm Tôn trở nên đục ngầu, các loài tôm, cá cũng dần dần biến mất từ đó.
Nhiều khu vực trên sông Nậm Tôn nước đỏ ngầu, bùn đặc quánh, có khu vực bùn sâu hơn 1m.
Ông Lô Viết Quý (trú tại bản Giuộc, xã Liên Hợp) cho hay, người dân chẳng còn dám lấy nước để sử dụng. Trâu bò thả rông nếu vô tình uống nước sông cũng dần còi cọc. Năm 2021, trong bản đã có 3 con bò bị chết, mổ thịt ra thấy gan, lách nổi u cục, ruột nhiều cát nên người dân phải vứt bỏ.
Một phụ lưu có dòng nước trong xanh giao nhau với sông Nậm Tôn tại bản Giuộc, xã Liên Hợp. Để có nguồn nước sinh hoạt, lâu nay phần lớn người dân sống quanh sông Nậm Tôn phải thuê người đào giếng sâu vài chục mét, rất tốn kém.
Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này.
UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã nhiều lần xuống làm việc tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp. Tuy nhiên, qua kiểm tra các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên không phát hiện tình trạng xả nước thải đục ra sông. Đối với các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung phức tạp, huyện không đủ chuyên môn để kiểm tra.
Cảnh Huệ