Động thái của một số quốc gia sau khi Ý trở thành nước đầu tiên cấm ChatGPT

ChatGPT gây ấn tượng với các nhà nghiên cứu về khả năng sáng tạo, nhưng cũng là mối lo ngại của các nhà quản lý với những tác động tiêu cực tới xã hội…

Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấm ChatGPT

Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấm ChatGPT

Mới đây, Ý đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấm ChatGPT, một chatbot trí tuệ nhân tạo phổ biến tới từ công ty khởi nghiệp OpenAI. Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Ý đã hạ lệnh cho OpenAI tạm ngưng xử lý dữ liệu của người dùng Ý trong bối cảnh chatbot bị nghi ngờ vi phạm các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư ở Châu Âu.

Cơ quan quản lý, hay còn gọi là Garante đã tung bằng chứng cho thấy OpenAI đã vi phạm dữ liệu. Họ cho phép người dùng xem tiêu đề của các cuộc trò chuyện của dùng người khác đang nói chuyện với chatbot. Ngoài ra, Garante cũng bày tỏ sự lo lắng khi ChatGPT không giới hạn độ tuổi và việc cung cấp thông tin của chatbot còn thiếu sự chính xác.

Công ty khởi nghiệp OpenAI được hỗ trợ bởi Microsoft có khả năng bị phạt 20 triệu Euro (~21,8 triệu USD), tương đương với 4% doanh thu hàng năm trên toàn cầu, nếu không đưa ra được biện pháp khắc phục tình hình trong 20 ngày.

Ý không phải là quốc gia duy nhất quan tâm tới tốc độ phát triển chóng mặt của AI và những tác động của nó tới xã hội. Chính phủ ở rất nhiều quốc gia đã đưa ra bộ quy tắc riêng đối với AI. AI sáng tạo là một tập hợp các công nghệ AI có thể tạo ra nội dung mới dựa trên lệnh từ con người. Công nghệ này tiên tiến hơn hẳn các công cụ AI trước đây, một phần trong số đó là nhờ mô hình ngôn ngữ mới, được đào tạo trên lượng dữ liệu khổng lồ.

Những lời kêu gọi AI phải tuân thủ theo các quy định đã có từ lâu nhưng AI lại phát triển với tốc độ chóng mặt, nhanh đến mức chính phủ khó có thể theo kịp. Giờ đây, chỉ cần dùng máy tính ta đã có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân thực, viết một bài tiểu luận hay thậm chí là tạo ra các dòng mã chỉ trong vài giây.

Sophie Hackford, một nhà tương lai học và cố vấn đổi mới công nghệ toàn cầu của công ty sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere, chia sẻ rằng: “Chúng ta cần phải cẩn thận để không tạo ra một thế giới tương lai con người phụ thuộc quá nhiều vào máy móc”.

“Công nghệ là để phục vụ con người, nó có thể giúp ta chẩn đoán bệnh ung thư nhanh hơn hoặc giúp chúng ta hoàn thành những công việc mà chúng ta không muốn làm”, bà nói.

Hiện nay, có nhiều cơ quan quản lý lo ngại về thách thức mà AI đặt ra với bảo mật công việc, quyền riêng tư dữ liệu và sự bình đẳng. Đồng thời họ cũng bày tỏ sự quan tâm trước mối nguy có kẻ xấu lợi dụng AI để thao túng chính trị thông qua việc tạo ra các thông tin sai lệch. Nhiều chính phủ đã bắt đầu suy nghĩ tới cách đối phó với các hệ thống có mục đích giống như ChatGPT, thậm chí có những quốc gia đang cân nhắc tới việc tham gia cấm ứng dụng như Ý.

ĐỘNG THÁI CỦA ANH TRONG VIỆC QUẢN LÝ AI

Vừa qua, Anh cũng đã công bố kế hoạch điều chỉnh AI của mình. Thay vì thiết lập các quy định mới, chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý trong các lĩnh vực khác nhau áp dụng các quy định hiện hành cho AI.

Các đề xuất của Anh không đề cập tới ChatGPT hay bất kỳ ứng dụng AI nào, nhưng đó sẽ là các nguyên tắc mà các công ty phải tuân theo khi sử dụng AI trong các sản phẩm của họ, đó là an toàn, minh bạch, công bằng, có trách nhiệm giải trình và khả năng cạnh tranh. Họ muốn đảm bảo các công ty đang phát triển và sử dụng công cụ AI làm việc có trách nhiệm, đồng thời cung cấp cho người dùng đủ thông tin về cách thức và lý do đưa ra một số quyết định nhất định.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội vào tuần trước, Bộ trưởng kỹ thuật số Michelle Donelan đã cho biết sự phổ biến bất ngờ của AI tổng quát cho thấy những rủi ro và cơ hội xung quanh đang “nổi lên với tốc độ phi thường”.

Dan Holmes, một nhà lãnh đạo phòng chống gian lận của Feedzai, công ty sử dụng AI để chống tội phạm tài chính cho hay, ưu tiên chính trong phương pháp của nước Anh là: Làm thế nào để sử dụng tốt AI?

QUY ĐỊNH CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Liên minh Châu Âu cũng đang có những động thái nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của AI, thậm chí còn gắt gao hơn Vương quốc Anh. Họ đã đề xuất một quy định về công nghệ gọi là Đạo luật AI.

Đạo luật AI của Châu Âu là những quy tắc hạn chế việc sử dụng AI trong cơ sở hạ tầng quan trọng, giáo dục, thực thi pháp luật và hệ thống tư pháp. Đạo luật này sẽ hoạt động song song với Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU, bộ quy tắc quy định cách các công ty xử lý và lưu trữ dữ liệu cá nhân.

Theo Reuters, các quy tắc dự thảo của EU coi ChatGPT là một dạng AI có mục đích chung được sử dụng trong các ứng dụng có rủi ro cao. Các hệ thống AI có rủi ro cao được ủy ban định nghĩa là những hệ thống có thể ảnh hưởng đến các quyền hoặc sự an toàn cơ bản của mọi người. Điều đó có nghĩa là ứng sẽ phải đối mặt với các biện pháp bao gồm đánh giá rủi ro khó khăn và yêu cầu loại bỏ sự phân biệt đối xử phát sinh từ các thuật toán cung cấp dữ liệu.

CHATGPT KHÔNG KHẢ DỤNG TẠI TRUNG QUỐC

ChatGPT không thể sử dụng tại Trung Quốc cũng như một số quốc gia kiểm duyệt internet nghiêm ngặt như Triều Tiên, Iran và Nga. Tuy không bị chặn chính thức, nhưng Open AI không cho người dùng tại Trung Quốc đăng ký.

Một số công ty công nghệ lớn tại quốc gia tỷ dân như Alibaba, Baidu hay JD.com đều đang phát triển những ứng dụng thay thế. Trung Quốc muốn đảm bảo những gã khổng lồ công nghệ của họ đang phát triển các sản phẩm phù hợp với các quy định nghiêm ngặt của quốc gia.

Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đã đưa ra những quy tắc điều chỉnh cách thức các công ty vận hành các thuật toán đề xuất. Một trong những yêu cầu đó là các công ty phải gửi thông tin chi tiết về các thuật toán của họ cho cơ quan quản lý không gian mạng.

Gia Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-thai-cua-mot-so-quoc-gia-sau-khi-y-tro-thanh-nuoc-dau-tien-cam-chatgpt.htm