Động thái mới của Temu tại Việt Nam

Ngày 24/10, Temu có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam.

Liên quan đến thông tin sàn thương mại điện tử Temu tham gia vào thị trường Việt Nam gây xôn xao thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin: "Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số về thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường".

Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).

Temu có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam.

Temu có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam.

Liên quan đến công tác quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.

Trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ gồm Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hóa, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Đồng thời xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thành lập bởi PDD Holdings của Trung Quốc. Sự xuất hiện của Temu đã khiến chính phủ nhiều quốc gia lo ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước. Mới đây, Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm Temu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập quốc gia này.

Không riêng Indonesia, Chính phủ Thái Lan cũng đang nghiên cứu các biện pháp đánh thuế với Temu để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường nước này.

Temu được Chính phủ Mỹ cân nhắc do lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng và nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra với ứng dụng này.

Hà Anh

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dong-thai-moi-cua-temu-tai-viet-nam-34845.html