Động thái mới của Trung Quốc trong bất đồng về công nghệ với Mỹ

Trung Quốc đã ban hành quy định kiểm soát xuất khẩu một số phương tiện bay không người lái (drone) để bảo vệ 'lợi ích và an ninh quốc gia' trong lúc bất đồng giữa nước này và Mỹ về vấn đề công nghệ.

Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp sản xuất drone quy mô lớn và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc sở hữu ngành công nghiệp sản xuất drone quy mô lớn và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ. Ảnh: REUTERS

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị, bao gồm một số động cơ drone, thiết bị tia laser, thiết bị liên lạc và các hệ thống phòng thủ drone, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9.

Một người phát ngôn của bộ trên thông báo quy định kiểm soát này cũng được áp dụng với một số loại drone cấp tiêu dùng, và đặc biệt cấm xuất khẩu thiết bị drone dân sự cho mục đích quân sự.

Trung Quốc có ngành sản xuất drone lớn và đang xuất khẩu sản phẩm này sang nhiều thị trường, trong đó có Mỹ. Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã cấm Bộ Quốc phòng mua hay sử dụng drone và các phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc.

Lệnh kiểm soát xuất khẩu drone nói trên được đưa ra sau khi Trung Quốc đã quyết định hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại germani và gali được sử dụng phổ biến trong sản xuất chip, để đáp trả việc Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với các công nghệ chủ chốt, như thiết bị sản xuất chip.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch hạn chế xuất khẩu gali của Trung Quốc đã gây ra việc hàng loạt các doanh nghiệp tăng cường dự trữ tấm bán dẫn đặc biệt làm từ kim loại này, đẩy thị trường vào tình trạng căng thẳng.

Nhà thu mua gali lớn nhất thế giới, Freiberger Compound Materials, cho hay hiện có rất nhiều đơn đặt hàng được đặt trước để tăng mức dự trữ trong kho. Freiberger Compound Materials tiêu thụ khoảng 10% sản lượng gali toàn cầu. Công ty này dùng gali để chế tạo các tấm bán dẫn dùng trong các bộ khuếch đại tín hiệu tần số vô tuyến cho điện thoại di động và thiết bị điện tử quang học.

Giám đốc điều hành (CEO) Michael Harz chia sẻ Freiberger Compound Materials hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp Trung Quốc vì quốc gia này là nguồn cung gali dồi dào nhất thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, các công ty gali của Trung Quốc đã đẩy hầu hết các đối thủ ở nơi khác ra khỏi thị trường bằng cách liên tục hạ giá bán.

Gali là kim loại không có trong tự nhiên. Chúng thường là sản phẩm phụ của quá trình xử lý quặng bauxite và kẽm. Đây là nguyên liệu chính cấu tạo nên các tấm bán dẫn.

Theo Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng (CRM), Trung Quốc sản xuất 80% gali của thế giới. Ông Harz tiết lộ các nhà sản xuất bộ khuếch đại tần số thế giới, giúp tăng cường tín hiệu vô tuyến để điện thoại thông minh có thể liên lạc với các tháp di động, đều có trụ sở tại Mỹ. Đây có thể là nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định của Trung Quốc.

Freiberger Compound Materials có doanh thu hàng năm là 70-80 triệu euro (77-88 triệu USD) và chiếm 65% thị phần tấm bán dẫn gali arsenua chuyên dùng cho bộ khuếch đại tín hiệu tần số vô tuyến của điện thoại thông minh. Các đối thủ cạnh tranh chính của công ty là Sumitomo Electric của Nhật Bản và một số nhà sản xuất nhỏ hơn của Trung Quốc.

Liên quan đến các quy định của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu một số vật liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo trong một phát biểu ngày 5/7 cho rằng quy định mới này là “chỉ là bước khởi đầu” cho những diễn biến tiếp theo. Ông cho biết nếu những hạn chế nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc vẫn tiếp diễn, Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp đối phó.

Trung Quốc hồi tháng Năm đã cấm một số ngành quan trọng của nước này mua hàng từ công ty sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ. Trước đó, vào tháng Mười năm ngoái, Mỹ đã ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu nhiều công cụ sản xuất chip của các công ty Mỹ như Lam Research và Applied Materials sang Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Mỹ còn vận động các nước khác có các nhà cung cấp lớn liên quan đến hoạt động sản xuất chip ban hành các quy định tương tự./.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-thai-moi-cua-trung-quoc-trong-bat-dong-ve-cong-nghe-voi-my/301390.html