Động thái mới của Vietnam Airlines sau khi được chấp thuận 'giải cứu'

Sau khi Quốc hội thông qua phương án giải cứu, Vietnam Airlines lập tức lên kế hoạch tổ chức đại hội bất thường trong tháng 12. Nội dung đại hội bất thường lần này chưa được hãng bay công bố nhưng giới phân tích cho rằng có nhiều khả năng sẽ liên quan tới vấn đề phát hành cổ phiếu tăng vốn theo đề xuất trước đó của hãng.

 Vietnam Airlines đã triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường sau khi được Quốc hội đồng ý giải cứu. Ảnh: DNCC

Vietnam Airlines đã triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường sau khi được Quốc hội đồng ý giải cứu. Ảnh: DNCC

HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông qua kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội là 15-12. Đại hội của hãng hàng không quốc gia dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29-12.

Tuy nhiên, địa điểm cụ thể và nội dung của đại hội đồng cổ đông bất thường lần này chưa được tiết lộ. Hãng bay cho biết nội dung cuộc họp bất thường sẽ được thông báo cụ thể trong giấy mời họp gửi tới cổ đông của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành tài chính dự đoán, nhiều khả năng sẽ liên quan tới vấn đề phát hành cổ phiếu tăng vốn theo đề xuất trước đó.

Hội đồng quản trị Vietnam Airlines giao cho Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa chỉ đạo triển khai các công việc liên quan để đảm bảo tổ chức đại hội bất thường trước ngày 31-12.

Việc Vietnam Airlines triệu tập họp cổ đông bất thường diễn ra không lâu sau khi Quốc hội đồng ý phương án "giải cứu" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, các phương án được đưa ra gồm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Nhà nước) để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại đây theo quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Bên cạnh việc thông qua nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Quan trọng là Vietnam Airlines phải tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.

Trước đó, hãng bay này đề xuất Chính phủ gói cứu trợ 12.000 tỉ đồng hỗ trợ thanh khoản doanh nghiệp, số này bao gồm 4.000 tỉ đồng thông qua cho vay và 8.000 tỉ đồng bổ sung vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu tăng vốn. Trước khi được Quốc hội phê duyệt phương án “giải cứu”, lãnh đạo SCIC cũng khẳng định cơ quan này đã chuẩn bị đủ tiền để đầu tư vào Vietnam Airlines nếu được cho phép.

Về hoạt động kinh doanh, Vietnam Airlines được giới chuyên môn đánh giá là hãng hàng không nội địa chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Covid-19 với khoản thua lỗ hàng chục ngàn tỉ từ đầu năm.

Theo đó, doanh thu 9 tháng từ đầu năm của hãng bay này chỉ ghi nhận hơn 32.400 tỉ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian này ở mức âm 10.676 tỉ đồng, lỗ sau thuế của công ty mẹ - Vietnam Airlines là 10.472 tỉ đồng. Khoản lỗ ròng hơn chục ngàn tỉ này đã xóa sạch thành quả 5 năm trước đó của hãng hàng không này khi tổng lợi nhuận giai đoạn 2015- 2019 mới đạt 10.380 tỉ đồng.

Nhiều hãng bay khác cũng xin được hỗ trợ

Tại một hội thảo tổ chức ngày 26-11 vừa qua, lãnh đạo của Vietjet Air và Bamboo Airways đều nêu lên mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thanh khoản tương tự như chính sách áp dụng với Vietnam Airlines.

Cụ thể, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, chia sẻ về khó khăn mà hãng bay đang gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch. Vị này cho hay trong 2-3 năm tới, các doanh nghiệp hàng không trong nước đều gặp khó về thanh khoản, vì vậy Vietjet kiến nghị được các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi trong vòng 3-5 năm. Có thể chỉ định 2 ngân hàng Nhà nước có tiềm lực mạnh cùng tham gia hỗ trợ. Hãng bắt đầu trả nợ và lãi trong vòng 3 năm, kể từ 2023-2025.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Lê Khắc Hải của Bamboo Airways ước tính, số lỗ của hãng bằng 1/3 đến 1/4 Vietnam Airlines. Dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay, dịch Covid-19 vẫn khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm.

Đại diện Bamboo Airlways kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng bằng hình thức cho vay tái cấp vốn. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản.

V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/311166/dong-thai-moi-cua-vietnam-airlines-sau-khi-duoc-chap-thuan-giai-cuu.html