Động thái mới gây lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông
Việc lần đầu tiên nhóm tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện ở phía Nam Biển Đông đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian gần đây đang nóng lên bởi những động thái mới của Bắc Kinh.
Tàu sân bay Trung Quốc tiến xuống nam Biển Đông
Trong hình ảnh được vệ tinh của Công ty Planet chụp trưa 17-4, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khu vực cách bờ biển TP Quy Nhơn khoảng 300km về phía Đông Bắc. Biên đội tàu này tiến vào Biển Đông qua eo biển Luzon ngày 10-4. Sau vài ngày chỉ hoạt động quanh quẩn ngoài khơi đảo Hải Nam, tàu Liêu Ninh và các tàu hộ tống quay đầu tiến thẳng xuống phía Nam Biển Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ USS Makin Island của Mỹ rời Biển Đông hôm 14-4.
Tàu sân bay của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, thông thường các nhóm tàu sân bay này chỉ hoạt động ở phía Bắc Biển Đông, nhất là vào mùa xuân khi thời tiết thuận lợi cho việc huấn luyện. Sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở phía Nam Biển Đông là vụ việc đầu tiên mà giới quan sát ghi nhận. Quân đội Trung Quốc vẫn giữ im lặng về hành tung của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh. Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc chỉ xác nhận đội tàu sân bay Liêu Ninh đã diễn tập “gần” đảo Đài Loan và cảnh báo sẽ còn nhiều cuộc tập trận tương tự trong tương lai.
Tuy nhiên, động thái mới này của Trung Quốc được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt bởi một loạt những diễn biến căng thẳng mới đây trên Biển Đông. Trước tiên là sự xuất hiện của nhóm hơn 200 tàu dân binh của Trung Quốc ở đá Ba Đầu, rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông của Việt Nam, nhưng Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở một số khu vực. Việc các tàu cá của Trung Quốc tập kết tại khu vực nói trên với số lượng lớn, không di chuyển trong một thời gian dài mà kết thành “bè” vài chiếc, thậm chí hàng chục chiếc, chắc chắn không phải để đánh bắt cá.
Tiếp đó là vụ xảy ra hồi đầu tháng 4 vừa rồi, khi 2 tàu tấn công nhanh mang tên lửa Type 22 lớp Houbei của Hải quân Trung Quốc quấy rối một tàu dân sự chở các phóng viên của Philippines di chuyển ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Vụ việc này được ghi nhận là chưa từng có tiền lệ bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu chiến của hải quân quấy rối tàu dân sự của các quốc gia khác.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình phát triển đội tàu sân bay. Hiện nước này có 2 tàu sân bay là tàu Liêu Ninh cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2012, cùng với tàu Sơn Đông được Trung Quốc tự đóng dựa trên mẫu tàu Liêu Ninh. Tàu sân bay thứ 3 - Type 003 hiện đang được đóng ở Thượng Hải, với nhiều đồn đoán sẽ sử dụng hệ thống phóng điện từ, có thể hạ thủy trong năm nay và đưa vào biên chế năm 2025.
Với dự án tàu sân bay thứ 4, sau 2 năm bị trì hoãn với nhiều vấn đề kỹ thuật, kế hoạch đóng tàu này đã được khôi phục trong năm nay, với khả năng sẽ sử dụng nhiên liệu hạt nhân. Chưa rõ tàu sân bay thứ 4 sẽ có kích thước ra sao, nhưng tàu thứ 3 có lượng choán nước khoảng 85.000 tấn. Nếu được lắp lò phản ứng năng lượng hạt nhân, tháp điều khiển trên tàu sân bay sẽ nhỏ hơn nhiều, giúp tăng không gian cho các máy bay. Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc dự định hạ thủy ít nhất 6 tàu sân bay để thành lập các nhóm tác chiến trước năm 2035 trong nỗ lực so kè với sức mạnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Kịch bản gia tăng vai trò hải quân trong các tranh chấp
Việc tàu sân bay Trung Quốc lần đầu tiên tiến xuống Nam Biển Đông cùng kế hoạch gia tăng đội tàu sân bay của nước này khiến dư luận hết sức quan tâm. Tất nhiên, Trung Quốc phải tìm cách trấn an dư luận. Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông để đáp trả các hành động khiêu khích của Mỹ khi điều nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông tập trận. Tờ này còn dẫn lời giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng tần suất tàu sân bay Trung Quốc xuống Biển Đông sẽ ngày càng tăng. Lý do là bởi Trung Quốc đang tăng tốc chế tạo tàu sân bay, nên cần phải huấn luyện phi công và đội tàu hộ tống nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ lời giải thích này, nhất là tuyên bố của Bắc Kinh sử dụng lực lượng chấp pháp dân sự để “duy trì hòa bình và ổn định” trên Biển Đông. Họ cũng đồng thời cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc triển khai tàu chiến thuộc hải quân, chứ không phải thuộc hải cảnh hay các lực lượng chấp pháp dân sự để quấy rối tàu dân sự của các quốc gia khác. Điển hình như vụ tàu tên lửa Type 22 lớp Houbei của Hải quân Trung Quốc quấy rối tàu dân sự chở các phóng viên của Philippines.
Trước đây, Trung Quốc thường sử dụng các lực lượng như hải cảnh hay dân quân biển trong nỗ lực kiểm soát Biển Đông. Chủ yếu là do các lực lượng này vừa bảo đảm giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa, vừa tránh leo thang xung đột. Còn Hải quân Trung Quốc thì sử dụng cho các yếu tố răn đe nhắm vào các hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc đang tính tới vai trò của hải quân trong các nhiệm vụ tuần tra phối hợp thường kỳ ở các khu vực tranh chấp.
Để thực hiện kịch bản phối hợp này, Trung Quốc cũng đã có bước chuẩn bị. Tờ Tân Hoa Xã từng có bài tường thuật về một cuộc tuần tra hỗn hợp như vậy vào tháng 5-2018 giữa hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ở Hoàng Sa. Theo kịch bản đề ra, nếu nhóm tuần tra phát hiện tàu chiến nước ngoài thì tàu của hải quân sẽ chủ động đối phó truy đuổi. Nếu là tàu cảnh sát biển nước ngoài thì tàu của hải cảnh sẽ lãnh trách nhiệm chính. Còn nếu là tàu cá nước ngoài thì dân quân biển sẽ là bên chịu trách nhiệm truy đuổi.
Trên thực tế, lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng từng gián tiếp tham gia vụ Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hồi năm 2012. Trong khi tàu hải giám Trung Quốc trực tiếp phong tỏa bãi cạn Scarborough và đẩy tàu cá Philippines khỏi khu vực, thì vòng ngoài luôn có các tàu chiến của Trung Quốc lởn vởn. Dù chỉ hiện diện ở phía xa nhưng các tàu chiến này là thông điệp mà Bắc Kinh gửi tới Manila rằng “Đừng gây rắc rối”. Khi tàu Philippines rút đi theo thỏa thuận, tàu Trung Quốc vẫn ở lại và trên thực tế kiểm soát Scarborough.
Chính vì thế, sự xuất hiện lần đầu tiên của tàu sân bay Trung Quốc ở Nam Biển Đông cùng sự tham gia của tàu chiến nước này vào hoạt động giành quyền kiểm soát vùng biển này là những động thái mới mà thế giới và khu vực phải rất quan tâm theo dõi.