Đồng Tháp 1975 - Mở ra hành trình mới

Đối với mỗi đời người, địa phương hay Quốc gia, một giờ khắc nào đó có thể trở thành dấu mốc đặc biệt. Và hoàn toàn đúng như vậy, ngày 30/4/1975 là thời điểm mở ra trang mới đối với Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi hoàn toàn, đưa giang sơn về một mối, cả dân tộc trọn niềm vui - Hòa bình! Khát vọng thống nhất, hòa bình và độc lập đã thôi thúc cả dân tộc “hành quân” không ngừng nghỉ và sự nỗ lực ấy đưa đến vị ngọt ngào của một chiến thắng vang dội khắp năm Châu. Khúc khải hoàn ấy mở ra hành trình mới cho quê hương và giờ đây lại tạo ra một hành trình mới rộng mở.

Lễ mừng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng ở thị xã Cao Lãnh, tháng 5/1975 (ảnh tư liệu)

Lễ mừng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng ở thị xã Cao Lãnh, tháng 5/1975 (ảnh tư liệu)

Trong lịch sử cận hiện đại của Việt Nam, thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được đánh giá là mốc son chói lọi nhất. Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh, liên tục “bám trụ”, chiến đấu kiên cường “giành đất”, “giành dân” và rồi cuối cùng, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cuộc chiến trường kỳ, cam go và quyết liệt này được hun đúc, kết tinh bởi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và nâng cao qua cuộc chiến.

Đó là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tinh thần đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân; sự “đa mưu túc trí”, chủ động, sáng tạo của các lực lượng kháng chiến; ý thức tự lực tự cường - “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của các tầng lớp nhân dân; ý chí không quản gian nguy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; sự gắn bó “máu thịt” giữa Đảng bộ với dân và quân với dân như “Cá với nước”. Thắng lợi trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra trang sử mới để Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp viết tiếp bản anh hùng ca xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Dù phải gánh chịu những hậu quả của chiến tranh, những trở ngại của quê hương nghèo khó, điều kiện bất lợi của vùng “khuất nẻo” và sự gây hấn của thế lực bên ngoài trên tuyến biên giới, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp đã kiên trì và kiên định kiến tạo nên xã hội mới. Trước hết, tập trung xây dựng chính quyền của Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở và qua nhiều năm củng cố, hoàn thiện, bộ máy chính quyền trở nên “thân thiện”, “đồng hành”, đang “số hóa” để có thể gần dân, sát dân, phục vụ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Nhiều chỉ số cho thấy người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ chính quyền “kiến tạo” nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.

Vượt qua biết bao trở ngại của “thời bao cấp”, các hoạt động sản xuất - kinh doanh được cho phép “bung ra”, “vượt rào” để tự hồi sinh. Trong đó, cuộc tiến công “Chinh phục Đồng Tháp Mười” một cách quyết đoán, đầy sáng tạo và không mệt mỏi của lãnh đạo và nhà nông đã tạo nên diện mạo nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại và làng quê trù phú. Nền tảng ấy làm tiền đề cho một phong trào khởi nghiệp với những OCOP (One commune one Product) đặc sắc chinh phục được thị trường trong và ngoài nước. Từ đây, kết cấu hạ tầng mà nhất là đường bộ được thúc đẩy phát triển nhanh, tạo đà hình thành các đô thị và kết nối vùng trọng điểm. Cũng theo đó, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật với nhiều trung tâm tin học, internet, trường học, bệnh viện và trạm xá, cơ sở luyện tập và vui chơi... “mọc lên như nấm” góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, làm giàu đời sống tinh thần và thể chất của người dân.

Nhiều năm qua, về căn bản, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững, người dân sống trong yên bình và xã hội lành mạnh. Đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức trong bộ máy của hệ thống chính trị luôn được củng cố, có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng được yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng và thích ứng nhanh với những hoàn cảnh mới. Các yếu tố ấy đã bồi đắp để “Có một nơi như thế” - “Nơi đáng sống”!

Từ sau năm 1975, dưới sự dẫn dắt của Đảng bộ, “Hành trình mới” đã làm Đồng Tháp “thay da đổi thịt” và người Đồng Tháp đang từng bước tiếp cận hiện đại, văn minh. Hình ảnh một Đồng Tháp “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh” chỉ còn trong ký ức một số ít người và là câu ca ngọt ngào để nhớ về một thời đã qua. Tiếp nối thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thành tựu kinh tế - xã hội trong 50 năm qua là một chuỗi nỗ lực phi thường của những con người bình thường. Họ chẳng những phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn vun trồng những phẩm chất mới về “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” và sự thích nghi cao độ với những biến đổi bất thường của một thế giới khó lường.

Với những “tài sản” vô giá làm hành trang, người Đồng Tháp sẽ vững bước trong “Hành trình mới rộng mở” và tiếp tục ghi dấu ấn lớn trong kỷ nguyên mới. Rồi đây, với diện tích lớn và dân số đông hơn, “người Đồng Tháp mới” có nhiều cơ hội phát huy nội lực và khai thác ngoại lực để vươn mình. Họ sẽ là “Phù Đổng” khi hòa nhập sâu vào cộng đồng nội và ngoại tỉnh, “lăn lộn” trong nền kinh tế thị trường, làm chủ công cụ sản xuất hiện đại, “tắm mình” nền dân chủ và văn minh. Dĩ nhiên, không khác cuộc chiến trước đây, “Hành trình mới rộng mở” chắc chắn sẽ đối diện với những khó khăn, thậm chí có những tổn thất, hy sinh nhất định. Hơn lúc nào hết, người Đồng Tháp cần thông minh để lựa chọn đúng, dũng cảm để quyết đoán, bao dung để hòa hợp, liên kết để cùng tiến xa và đoàn kết để đủ sức mạnh.

Dù có đứng bất cứ góc nhìn nào, ngày 30/4/1975 vẫn là cột mốc đã làm thay đổi hoàn toàn thực trạng Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Đối với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Đồng Tháp hiện tại, ngày 30/4/1975 là cứu cánh làm hồi sinh một vùng đất “ngủ yên” và truyền cảm hứng về khả năng hiện thực hóa khát vọng - Khát vọng của một dân tộc được sống trong một đất nước thống nhất, độc lập và hòa bình. Và từ đây, chắc chắn sẽ mở ra chân trời rộng mở: Thịnh vượng và văn minh.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/dong-thap-1975-mo-ra-hanh-trinh-moi-131137.aspx