Đồng Tháp có hơn 1.200 mã vùng trồng, với diện tích hơn 114.000ha

Đa số mã vùng trồng được cấp tại tỉnh Đồng Tháp nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia, UAE.

Khu vực cấp mã vùng trồng lúa ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Khu vực cấp mã vùng trồng lúa ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Tỉnh Đồng Tháp đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho 1.270 vùng trồng với diện tích hơn 114.000ha; trong đó, cây ăn trái hơn 17.000ha; rau màu 2.000ha; cây lúa hơn 94.000ha.

Đa số cấp mã vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia, UAE.

Ở Đồng Tháp có hơn 94.000ha sản xuất lúa được cấp mã vùng trồng, đa số được sử dụng giống lúa chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống chính, cho năng suất cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao chiếm hơn 60%.

Tại các vùng sản xuất lúa ở Đồng Tháp được cấp mã vùng trồng, đa số nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa, áp dụng IPM trong quản lý dịch hại,... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo.

Diện tích áp dụng giảm lượng giống vụ Hè Thu 2024 đạt gần 40.000ha; diện tích sử dụng giống xác nhận vụ Hè Thu 2024 đạt trên 52.000ha.

 Chăm sóc vụ lúa Hè Thu 2024 tại khu vực cấp mã vùng trồng lúa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Chăm sóc vụ lúa Hè Thu 2024 tại khu vực cấp mã vùng trồng lúa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cho biết trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Khi có mã vùng trồng và liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch.

Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công ty Rynan tập huấn, hướng dẫn các địa phương đăng ký mã số vùng trồng sen gắn với việc nhập dữ liệu qua website vdapes.com hoặc app Đồng hành cùng Rynan gắn với việc nhập nhật ký sản xuất để dễ dàng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc khi công ty, doanh nghiệp thu mua phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tỉnh sử dụng hệ thống để nhập thông tin tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm sen lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm.Vừa qua huyện Tháp Mười đầu tiên xuất khẩu được 15 tấn củ sen sang Nhật Bản, đây là những củ sen có nguồn gốc sản xuất, mã vùng trồng.

Đối với cây nhãn ở huyện Châu Thành có diện tích là trên 2.000ha, sản lượng hơn 50 nghìn tấn/năm, trong đó có gần 90% đủ điều kiện xuất khẩu.

Nhãn Châu Thành được cấp 23 mã vùng trồng cho diện tích hơn 671ha để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết thời gian qua Hội quán tích cực vận động các thành viên đăng ký xây dựng mã số vùng trồng nhãn.

Việc xây dựng mã số vùng trồng nhãn giúp nông dân tuân thủ các quy định về chăm sóc vườn cây, thu hoạch, đồng thời việc tiêu thụ nhãn thuận lợi và giá cũng cao hơn so với trước đây.

Quy trình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP để được cấp mã số vùng trồng khác hơn với sản xuất thông thường, tăng hiệu quả thu nhập.

Đối mã vùng trồng xoài hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng được cấp mã số tương ứng 8,3 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Diện tích trồng xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được cấp 252 mã vùng trồng, với diện tích 7.000ha.

Nhờ có mã vùng trồng xoài, giờ đây xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và những điểm du lịch nổi tiếng.

Xoài Cao Lãnh có mặt ở các kênh phân phối phổ biến từ chợ, cửa hàng bán lẻ đến hệ thống siêu thị như Co.op Mart, WinMart, Bách Hóa Xanh... Xoài Cao Lãnh cũng đã xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Mách, Hợp tác xã xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết diện tích cấp mã vùng trồng xoài của xã hơn 27ha. Riêng gia đình ông có hơn 8.000m2 xoài từ 20-28 năm, đa số là giống xoài cát Chu được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, xoài được tiêu thụ nhanh.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đưa 100% diện tích vùng trồng cây ăn trái có mã vùng trồng; trong đó, có xoài tập trung được cấp mã số vùng trồng và thực hành sản xuất an toàn.

Hằng năm tỉnh tăng 10% diện tích đạt chứng nhận GAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn; thực hành sản xuất hữu cơ tăng 1% diện tích sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-co-hon-1200-ma-vung-trong-voi-dien-tich-hon-114000ha-post961142.vnp