Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo về thông tin
ĐTO - Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững (GNBV), giảm nghèo về thông tin được các cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và các địa phương tập trung tuyên truyền, thực hiện nhiều hình thức thông tin, góp phần lan tỏa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác GNBV.
Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo
Nhằm tăng cường tuyên truyền công tác giảm nghèo về thông tin, các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng, tập trung vào chủ trương, biện pháp của tỉnh trong công tác GNBV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là người dân ở nông thôn vào sinh hoạt các chi hội, tổ hội, Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán. Qua đó, phát huy hiệu quả tinh thần “tự lực, chăm chỉ, hợp tác”, tình làng nghĩa xóm giúp nhau thoát nghèo vươn lên khá giàu.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì và phát huy hiệu quả chủ trương Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các mô hình chính quyền đối thoại với nhân dân qua sóng phát thanh; cán bộ, công chức cấp xã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với Nhân dân khóm, ấp... Thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp đã tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác GNBV, đồng thời giải quyết những kiến nghị của người dân, khó khăn của địa phương trong công tác giảm nghèo.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Trong đó, chương trình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp và việc làm được lồng ghép chặt chẽ với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều đối tượng hưởng lợi, nhất là người nghèo có việc làm và tăng thu nhập. Từ năm 2022 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) GNBV trên địa bàn tỉnh trên 150 tỷ đồng và các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nguồn kinh phí của chương trình, tập trung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Đồng thời phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ việc làm bền vững, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp GNBV, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm. Trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,13% giảm còn 2,17% (giảm 0,96%, vượt chỉ tiêu được giao là giảm 0,4%), tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,09% giảm còn 3,23%.
Hằng năm, từ nguồn kinh phí thực hiện giảm nghèo về thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tổ chức xây dựng chuyên trang về giảm nghèo trên Báo Đồng Tháp giới thiệu mô hình giảm nghèo, các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, gương phấn đấu vươn lên thoát nghèo; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện “Chương trình Vượt dốc” khen thưởng và động viên những cá nhân tiêu biểu có phương án, kế hoạch sản xuất, làm dịch vụ, kinh doanh vươn lên khá giả và thoát nghèo bền vững; đồng thời phát hành hơn 2.100 cuốn sổ tay tuyên truyền công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc đối thoại với trên hàng ngàn người tham gia, nội dung đối thoại chính sách giảm nghèo tập trung vào các vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, tiến độ và kết quả triển khai, mức độ tham gia và hưởng lợi của người dân từ các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình MTQG GNBV; một số chương trình, chính sách giảm nghèo có liên quan về việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo.
Lãnh đạo tỉnh và TP Hồng Ngự khảo sát tìm hiểu đời sống của hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường An Lộc, TP Hồng Ngự
Nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo
Tại TP Hồng Ngự, nhằm thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn, hàng năm, UBND thành phố tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo tại các địa phương với hộ nghèo, hộ cận nghèo để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu cần hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo... Thành phố đã tổ chức 18 cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo, gần 2.800 lượt người tham gia, kinh phí thực hiện hơn 677 triệu đồng, qua đó đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp, có giải pháp sát thực tế về công tác giảm nghèo và đạt hiệu quả cao.
Ông Huỳnh Tú Linh - Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, cho biết, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo được địa phương chú trọng. Bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu thông tin của người dân, để có hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp, thành phố đã tuyên truyền thông qua các hoạt động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đô thị văn minh, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi biểu diễn phục vụ văn hóa, văn nghệ.
Cùng với đó, thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo thụ hưởng văn hóa, thông tin, giai đoạn 2022 - 2023, thành phố đã đầu tư gần 9 tỷ đồng lắp đặt hệ thống Truyền thanh thông minh trên địa bàn để thông tin, tuyên truyền đến người dân những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Qua đó, giúp người dân tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, phục vụ hiệu quả trong lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp để tuyên truyền đến người dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác GNBV, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác GNBV; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tăng cường sử dụng intrenet, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền. Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh lập tài khoản mạng xã hội tích cực đăng tải, chia sẻ tin, bài, thông tin chính thống về chủ trương, chính sách giảm nghèo để người dân tiếp cận kịp thời. Hiện nay, có 12/12 huyện, thành phố và đa số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống tổ chức hội nghị trực tuyến; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bố trí máy vi tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet để thực hiện công việc hằng ngày và đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, kiến thức.
Hướng tới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình MTQG GNBV, giảm nghèo về thông tin; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền. Cùng với đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong lao động sản xuất của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đồng thời quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin, lồng ghép trong Chương trình MTQG GNBV vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.