Đồng Tháp đưa cá tra 'vươn ra biển lớn'

Từ sản phẩm 'ao làng', những người nông dân cần mẫn, doanh nghiệp sáng tạo của Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đưa con cá tra vươn mình ra thế giới. Đặc biệt, năm 2022, bước qua những nốt trầm của dịch bệnh, ngành hàng cá tra 'vượt đỉnh', lập kỷ lục xuất khẩu cao nhất trong lịch sử 20 năm qua. Với những kết quả ấn tượng đó, sự kiện Lễ hội Cá tra lần I - năm 2022 diễn ra kịp thời như một lời tri ân đối với những người gắn bó với loài thủy sản đặc hữu này, giúp họ vững niềm tin, đưa ngành cá tra, thương hiệu của Quốc gia tiếp tục 'vươn ra biển lớn'...

Chế biến cá tra sản phẩm xuất khẩu chiến lược của tỉnh

Chế biến cá tra sản phẩm xuất khẩu chiến lược của tỉnh

ĐỒNG THÁP - CÁI NÔI CỦA SẢN XUẤT CÁ TRA

Theo ông Huỳnh Văn Hiền - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, nghề nuôi cá tra trong ao qui mô gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu từ những năm 1940 - 1950 chủ yếu tại 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, từ con giống được đánh bắt tự nhiên. Đến nay, nghề nuôi cá tra thâm canh, qui mô thương mại ở ĐBSCL có gần 20 năm phát triển. Vào đầu những năm 2000, những người dân cần mẫn, sáng tạo đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cùng với doanh nghiệp chế biến quy mô, tạo được sự đột phá trong mở rộng diện tích canh tác và xuất khẩu trên 130 nước trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, chia sẻ: “Năm 1997, lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD. Đến 10 năm sau, xuất khẩu cá tra vượt mốc 2,26 tỷ USD vào năm 2018. Đặc biệt, bước qua những khó khăn của dịch bệnh, năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD”.

Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Hiện nay, Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, chia sẻ: “Vào cuối những năm 1990, khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với đối tác nước ngoài, từ đó giúp cá tra từ “ao làng” vươn ra thị trường thế giới. Đặc biệt, năm 2022, ngành hàng cá tra có sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra gần 1 tỷ USD/2,4 tỷ USD cả nước. Hiện nay, sản xuất cá tra ở Đồng Tháp phát triển thành chuỗi giá trị và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm cá tra đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính nhất. Đồng thời, ngành công nghiệp cá tra thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, ngành dược phẩm, mỹ phẩm... đặc biệt là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị ngành hàng”.

Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, KHAI THÁC THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm Quốc gia và được đưa vào Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên tinh thần đó, việc tập trung ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được xem là đòn bẩy quan trọng giúp ngành cá tra vững bước vươn xa.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất đến chế biến cá tra nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong thời gian qua, Đồng Tháp phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp nhận và chuyển giao gần 108.000 con cá tra cải thiện di truyền cho 17 cơ sở sản xuất giống cá tra đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 49,43 tỷ cá tra bột và khoảng 4,8 tỷ con cá tra giống có tính trạng tăng trưởng nhanh. Đồng thời, việc sử dụng vaccine Alpha Ject Panga 2 trong việc phòng trị một số bệnh phổ biến ở cá tra giúp tăng khả năng phòng bệnh cho khoảng 75% cá nuôi.

Đáng chú ý, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cá tra phát huy mạnh mẽ và có sự tham gia của các doanh nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn là đơn vị đi đầu trong chế biến phụ phẩm, các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như: sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra... Hướng tới khai thác tiềm năng lớn của ngành hàng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I đẩy mạnh sản xuất dầu ăn cao cấp từ mỡ cá tra, tinh luyện mỡ cá thành các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng được thị trường đón nhận...

Theo dự báo, thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, kênh tiêu thụ nội địa đang là “mảnh đất màu mỡ” cần khai thác.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart, thị trường nội địa được đánh giá có tiềm năng rất lớn, với gần 100 triệu dân, mật độ dân số cao, cơ cấu dân số trẻ, tổng mức tiêu dùng cuối cùng của toàn dân chiếm từ 70 - 80% GDP.

Đối với sản phẩm cá tra tiêu thụ trong chuỗi bán lẻ Siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng trên 30%. Năm 2022, sản lượng cá tra tiêu thụ trên kênh bán lẻ Winmart khoảng trên 400 tấn.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ thêm, mục tiêu của ngành cá tra đặt ra là chiếm khoảng 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng. Do đó, việc hoạch định chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, chinh phục người tiêu dùng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Việt, giúp tăng sản lượng tiêu thụ. Cá tra hiện là 1 trong 5 mặt hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, nhận thấy tiềm năng và lợi thế của mặt hàng này, doanh nghiệp mong muốn kết nối, tạo đầu ra bền vững cho cá tra và sản phẩm nông sản, OCOP của Đồng Tháp.

Cùng với các sản phẩm chủ lực khác, cá tra góp thêm niềm tự hào, xây dựng hình ảnh quê hương Đồng Tháp. Tại Lễ hội Cá tra lần I - năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gửi lời tri ân đến những người nông dân cần mẫn, những doanh nghiệp sáng tạo đưa cá tra trở thành ngành hàng thủy sản xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, khẳng định vị thế ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp, khu vực ĐBSCL. Sự kiện lễ hội là dịp để nghề nuôi, chế biến cá tra cần được nhìn nhận đúng tầm giá trị...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-dua-ca-tra-vuon-ra-bien-lon--111186.aspx