Đồng Tháp khó khăn trong việc tái đàn vì nguồn cung lợn giống khan hiếm
Việc tái đàn tại tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó khăn do khan hiếm lợn giống, giá lợn giống cao gấp 3 lần so với trước khi bị dịch.
Sau khi tỉnh Đồng Tháp công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tái đàn trở lại, chăn nuôi theo hướng an toàn, sinh học. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó khăn do khan hiếm lợn giống, giá lợn giống cao gấp 3 lần so với trước khi bị dịch.
Tại làng nghề làm bột truyền thống ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cứ 10 hộ thì đến 8 hộ vừa làm bột vừa nuôi lợn. Đa phần các hộ dân ở đây tận dụng phế phẩm thừa để chăn nuôi, với số lượng từ vài chục đến vài trăm con. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay người dân vẫn chưa thể tái đàn do con giống khan hiếm và giá cao.
Anh Huỳnh Văn Hớn, ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung cho biết, trước khi bị dịch, gia đình nuôi khoảng 60 con lợn vừa thịt, vừa giống. Bình quân mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhưng, hiện nay gia đình chưa dám tái đàn như trước vì lo ngại dịch quay trở lại, phần thì giá lợn giống quá cao.
"Khu này giờ kiếm heo giống khó lắm, đi tỉnh khác mua thì có, mà người quen dẫn tôi đi chứ làm sao tự biết để đi. Năm trước, lợn giống chỉ cỡ khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đủ cỡ, bây giờ gấp 3 mà rất khan hiếm" - anh Hớn cho biết.
Giá lợn giống cao gấp 3 lần trước khi bị dịch
Hiện tại, lợn giống đang ở mức từ 2,5 - 3,5 triệu/con tùy từng kích cỡ, đây là mức giá cao gấp 3 lần khi chưa có dịch, vì vậy người dân vẫn chưa thể tái đàn để đảm bảo cung cầu.
Anh Nguyễn Văn Thái, cộng tác viên thú y xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành cho biết: "Không có con giống để cung cấp cho hộ chăn nuôi, ngay cả công ty lớn cũng phải đặt hàng trước vài ba tháng mới có nguồn nhưng giá con giống rất cao. Dân ở đây đa số là nuôi heo tận dụng phụ phẩm từ bột cặn, cho nên số lượng nuôi heo và số hộ cũng nhiều, dịch bệnh không có vaccine nên người dân e ngại không dám tái đàn nhiều".
Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là địa phương chăn nuôi lợn lớn của tỉnh, vừa qua dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Số lượng lợn phải tiêu hủy trên địa bàn chiếm 80%, số tiền hỗ trợ cho người dân khoảng 110 tỷ đồng.
Ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, ngay sau khi tỉnh công bố hết dịch, ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân tái đàn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, tuy nhiên lợn giống hiện nay giá cao và không có.
Theo ông Trọng, những trang trại quy mô lớn đã chủ động liên hệ đặt con giống từ các công ty trong và ngoài tỉnh phải chờ vài tháng mới có thể tái đàn, nhưng số lượng cũng hạn chế.
Sở Nông nghiệp liên hệ với các cơ sở chăn nuôi uy tín để hỗ trợ heo giống cho bà con, thú y hiện nay cũng đang hỗ trợ cho huyện vận động bà con nuôi theo an toàn sinh học khoảng 100 con heo; Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, vệ sinh chuồng trại.
Mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu con giống của người dân
Ông Trần Hoàng Quí, Trưởng phòng Quản lý giống, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, Chi cục chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, thống kê từ các địa phương thì nhu cầu lợn giống để tái đàn cho các hộ chăn nuôi hiện nay khoảng 71.000 con, trong khi đó trên toàn địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu con giống và giá đang cao gấp 3 lần so với trước khi bị dịch.
Theo ông Quí, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng để cung cấp cho người dân, chủ yếu người dân tự nuôi con giống bố mẹ rồi tự cung. Trước tình trạng khan hiếm con giống, địa phương cũng đang liên hệ với 8 doanh nghiệp để cung cấp lợn giống cho người dân, tuy nhiên cũng phải chờ vài tháng sau mới có con giống.
Ông Trần Hoàng Quí cho rằng, việc tái đàn phải tuân thủ điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Các hộ dân và trang trại không được tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải và điều kiện bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn với số lượng 10%, sau 30 ngày sẽ lấy mẫu xét nghiệm nếu kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi thì mới được tái đàn 100%.
"Chủ động liên hệ để tìm con giống cho dân, cái chính của chúng tôi ở đây là kiểm soát dịch bệnh cho thật chặt, không để tái bùng phát dịch. Hướng dẫn cho người dân nuôi như thế nào, tiêu độc sát trùng vệ sinh làm sao cho an toàn, đảm bảo không có dịch bệnh xảy ra. Tái đàn heo gắn với tái cơ cấu, định hướng liên kết là cung ứng, sản xuất, tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo hướng đó" - ông Trần Hoàng Quí cho biết.
Trước thực trạng thiếu nguồn cung lợn giống để phục vụ công tác tái đàn nhằm góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng; ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã chủ động liên hệ với các công ty, Trung tâm cung cấp giống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để tìm nguồn cung con giống cho người dân phục vụ công tác tái đàn.
Ngoài ra, địa phương đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu chăn nuôi lợn, trong đó giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững./.