Đồng Tháp: Tránh lãng phí cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập
Chiều 3/7, Đại biểu Quốc hội (Đơn vị số 2) tỉnh Đồng Tháp gồm: Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội có buổi tiếp xúc cử tri phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Cử tri phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến.
Bên cạnh thông tin với cử tri phường Cao Lãnh về kết quả kỳ họp thứ 9, đồng chí Lê Quốc Phong cũng cho biết, sau 3 ngày hoạt động chính quyền hai cấp, toàn tỉnh Đồng Tháp cơ bản vận hành ổn định. Việc giải quyết nhu cầu thủ tục hành chính không quá đột biến ở tất cả .
Riêng phường Cao Lãnh có lượng hồ sơ tương đối nhiều, các địa phương còn lại có số lượng vừa phải, không xảy ra tình trạng ùn ứ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Qua tìm hiểu, kiểm tra, kết quả cho thấy cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính được người dân đánh giá tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đồng tình với những chia sẻ, đánh giá của cử tri về yêu cầu cao trong phân quyền ở các cấp sau khi bỏ cấp huyện.
Đồng chí khẳng định điều này đòi hỏi các cán bộ ở cơ sở phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo công việc được giao để phục vụ nhân dân tốt hơn. Cán bộ, công chức tránh tình trạng những việc thuộc thẩm quyền của mình nhưng không giải quyết, hoặc chưa nắm hết mà đã báo cáo về tỉnh.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tập huấn và cán bộ, công chức các xã, phường nghiên cứu, nắm chắc để vận hành tốt mô hình chính quyền hai cấp.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công nghệ thông tin, số hóa, trang thiết bị hiện đại, tăng cường phát động “” để người dân dễ dàng tiếp cận được các thông tin, các thủ tục một cách nhanh chóng, đầy đủ, đặc biệt là có thể tìm kiếm thông tin thông qua các ứng dụng.
Từ đó, người dân nắm được và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đến các đơn vị hành chính để thực hiện các thủ tục, tránh phải đi tới lui nhiều lần, ảnh hưởng đến thời gian, công việc của người dân.

Đồng chí Lê Quốc Phong phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri.
Liên quan đến việc ý kiến cử tri về việc địa phương sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập, hợp nhất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, trước mắt, đối với những cơ quan còn cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại Cao Lãnh thì vẫn tiếp tục sắp xếp và sử dụng cơ sở vật chất sao cho hiệu quả. Các cơ sở vật chất còn lại không còn sử dụng thì có phương án, kế hoạch sử dụng để tránh lãng phí.
“Tỉnh Đồng Tháp ưu tiên các trụ sở dôi dư để phục vụ cho y tế, giáo dục, các công trình công. Cơ sở nhà, đất nào hình thành quỹ đất phục vụ cho phát triển thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đúng quy hoạch để thực hiện cho tốt. Tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện sát sao, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập”, đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định.
Ngoài ra, đồng chí cho biết tỉnh cũng đã cố gắng không để lãng phí, kể cả cơ sở vật chất bên trong các cơ quan. Những ngày qua, nhiều đơn vị về làm việc ở Trung tâm hành chính tại Mỹ Tho, cũng đã di chuyển các trang thiết bị về trụ sở mới. Việc di chuyển trang thiết bị để vừa có làm việc ngay, đồng thời không phải mua sắm mới theo tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất hiện có.
Sau khi sáp nhập tỉnh, cử tri cũng quan tâm về các dự án đầu tư công đã có phê chuẩn, có danh mục dự án thì tiếp tục thực hiện hay không. Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định, theo luật đầu tư công, các dự án đã nằm trong danh mục đầu tư công mà hội đồng nhân dân các cấp đã thông qua thì tiếp tục bố trí vốn để làm.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Quốc Phong cho rằng cũng cần rà soát những công trình nào còn phục vụ được, còn phù hợp hay không thì tỉnh sẽ cho rà soát để đi đến quyết định tiếp tục hay không tiếp tục triển khai.