Đồng Tháp: Ưu tiên dành cơ sở vật chất dôi dư cho y tế, giáo dục, văn hóa

Sáng 28/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa X tổ chức kỳ họp đột xuất lần thứ 14. Tham dự kỳ họp có đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tại kỳ họp, qua thảo luận, các đại biểu đã thống nhất cao và biểu quyết thông qua 8 dự thảo nghị quyết.

Đáng chú ý, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, sau sắp xếp, tỉnh Đồng Tháp có 45 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường và 38 xã); giảm 96 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đạt tỷ lệ 68,09%. Tất cả xã, phường đều bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp theo quy định hiện hành.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã biểu quyết dự thảo nghị quyết về tán thành chủ trương thành lập tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở sắp xếp tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính-chính trị đặt tại tỉnh Tiền Giang.

Sau thành lập, tỉnh Đồng Tháp mới sẽ có diện tích tự nhiên là 5.933,64 km2, quy mô dân số là 4.203.948 người.

Việc sáp nhập tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thành một đơn vị hành chính giúp tăng cường thế mạnh của địa phương, tạo nên một hành lang kinh tế dọc sông Tiền, trải dài từ khu vực biên giới đến biển Đông.

Đại biểu trình bày ý kiến tại kỳ họp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đại biểu trình bày ý kiến tại kỳ họp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, tỉnh cũng chuẩn bị kế hoạch chi tiết để triển khai ngay sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổng hợp báo cáo gửi Bộ Nội vụ thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đồng chí cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương bám sát các nội dung về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp của ban chỉ đạo tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp phải bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện rà soát, xây dựng phương án xử lý trụ sở, tài sản khi sắp xếp, ưu tiên dành các cơ sở vật chất dôi dư cho y tế, giáo dục, văn hóa, phục vụ mục đích công ích, công cộng, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đại biểu biểu quyết thông qua từng nghị quyết. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đại biểu biểu quyết thông qua từng nghị quyết. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng của tỉnh đạt 8% trở lên. Bảo đảm không để gián đoạn trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng chí yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm mỗi bước triển khai đều có kế hoạch rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển chung.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-thap-uu-tien-danh-co-so-vat-chat-doi-du-cho-y-te-giao-duc-van-hoa-post875885.html