Đồng Tháp xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, Đồng Tháp xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên không chỉ giải quyết bài toán về kinh tế mà còn là sự đầu tư cho tương lai trên tinh thần thích nghi, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với tự nhiên...

Mô hình trồng lúa - nuôi vịt - trữ cá đồng của anh Nguyễn Văn Vương (ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) (Ảnh: Mỹ Nhân)

Mô hình trồng lúa - nuôi vịt - trữ cá đồng của anh Nguyễn Văn Vương (ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) (Ảnh: Mỹ Nhân)

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT THUẬN THIÊN

Trên hành trình đó, Đồng Tháp triển khai, nhân rộng trên 30 mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện, thành phố. Thời gian qua, mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) với quy mô 81,5ha/28 hộ mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân. Qua đối chiếu, lợi nhuận từ mô hình cao hơn khoảng 3.635.000 đồng/ha/vụ so với sản xuất thông thường. Giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1 tấn/ha/năm, hạn chế ô nhiễm môi trường; giảm lượng phân hóa học từ 10 - 20%; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10%; rơm rạ được xử lý bằng nấm Trhichoderma spp để phân hủy nhanh trả lại dinh dưỡng cho đất.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc thực hiện tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) và xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười với tổng diện tích 14ha mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường. Đáng chú ý là sau thu hoạch, rơm được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm, giá thể hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Tiếp tục phát huy giá trị ngành hàng lúa gạo, tỉnh thực hiện mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long thực hiện tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông với quy mô 50ha. Mô hình được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư mua 1 máy sạ lúa theo cụm. Qua canh tác cho thấy, mô hình giúp giảm lượng giống 50%, phân bón 20% so với ngoài mô hình. Năng suất bình quân trong mô hình đạt 6,65 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,1 tấn/ha; lợi nhuận đạt 18.198.000 đồng/ha, cao hơn 1.741.500 đồng/ha so với ngoài mô hình. Điều đáng quan tâm hơn là nông dân tham gia mô hình ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng biện pháp kỹ thuật đồng bộ, tập trung; chủ động thu gom rơm để sản xuất nấm rơm hoặc bán nhằm tránh đốt đồng gây ô nhiễm môi trường.

Xoài là ngành hàng lợi thế của tỉnh. Thời gian qua, Đồng Tháp còn thực hiện mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ tại Ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình và tại ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới; ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP Cao Lãnh. Mô hình giúp nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, an toàn và canh tác bền vững thân thiện môi trường khi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Kết quả bước đầu cho thấy, lợi nhuận mô hình mang lại từ 37,9 triệu - 74,2 triệu đồng/ha, cao hơn từ 12 - 19 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình và tùy theo giống xoài.

Mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt được thực hiện tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh với quy mô khoảng 5.000m2 phát huy hiệu quả tốt. Mô hình tận dụng một số phế phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu là phụ, phế phẩm ngành hàng xoài để nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Theo đó, lấy ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho vịt, gà hoặc chế biến thành các chế phẩm sinh học dịch thủy phân cung cấp dinh dưỡng cho trồng trọt, thủy sản. Riêng chất thải thu được từ việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen được xử lý trở thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 9.800ha áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới phun, tưới nhỏ giọt và tưới 3 trong 1) trên cây ăn trái và hoa màu. Trong đó có 13 mô hình hệ thống tưới thông minh tự động trên cây ăn trái tại các huyện: Thanh Bình, Lấp Vò, Tháp Mười, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Mô hình này giúp lượng nước tưới giảm 30% so với các phương pháp tưới thông thường khác. Với diện tích 1ha sẽ cần khoảng 10 lần tưới/tháng, mô hình sẽ tiết kiệm chi phí khoảng 3.320.000 đồng/tháng so với tưới bằng tay và tiết kiệm 720.000 đồng/tháng so với các hệ thống tưới phun mưa khác. Ngoài ra, hệ thống tưới còn giúp duy trì nhiệt độ (25 - 300 C) và độ ẩm (55 - 70%) tạo điều kiện thuận lợi giúp cây trồng phát triển thuận lợi, tiết kiệm được phân bón.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà công trình nông nghiệp (trang trại trồng trọt, chăn nuôi) với tổng công suất lắp đặt khoảng 64.237kWp đã phát lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng trên 92,6 triệu kWh, nguồn thu từ việc buôn, bán điện với tổng số tiền trên 179,5 tỷ đồng. Việc phát triển các mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp góp phần tăng thêm nguồn thu cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bổ sung các nguồn điện tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn điện và lưới điện cho ngành điện.

Sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm nguồn thức ăn cho vật nuôi

Sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm nguồn thức ăn cho vật nuôi

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh còn hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt theo hướng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đến nay, hầu hết các trạm bơm dầu đang được thay thế bằng các trạm bơm điện giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, an toàn môi trường.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo mùa, kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Mô hình này tập trung chủ yếu vào mùa nước nổi, tận dụng các ô bao trồng lúa và các trạm bơm điện thực hiện nhử cá vào các ô bao, kết hợp thả thêm thủy sản giống. Ngoài ra, một số tuyến sông thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó phát triển mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm.

Đồng Tháp xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp thuận thiên và phát triển bền vững. Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tại Đồng Tháp triển khai thực hiện từ năm 2016 đến thời điểm báo cáo với 19.000 hộ nông dân tham gia, 76.000 người được hưởng lợi. Theo đó, áp dụng quy trình canh tác bền vững trên quy mô 20.000ha, lợi nhuận tăng 30%/ha so với sản xuất truyền thống, giảm phát thải khí nhà kính khoảng 133.333 tấn.

Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười - các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp” được triển khai thực hiện từ năm 2019 với 12 mô hình tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự, tổng diện tích thực hiện diện tích 113ha. Mô hình góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo ổn định, an sinh xã hội, tránh gia tăng tỷ lệ hộ nghèo hoặc tái nghèo và bảo vệ môi trường.

Đồng Tháp đang xây dựng Kế hoạch triển khai “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững.

Đáng chú ý, công tác triển khai chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai rộng rãi. Qua đó, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, trong cuộc sống. Với đòn bẩy đó, thời gian qua, người dân sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ “nông nghiệp truyền thống” sang “nông nghiệp hiện đại”.

Đến nay, toàn tỉnh thành lập hơn 500 Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ thanh niên chuyển đổi số cộng đồng với hơn 950 đoàn viên, tích cực hỗ trợ đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số. Thí điểm xây dựng 4 Hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15,5% Hội quán, 17,2% HTX ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, hoạt động thương mại điện tử; 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/dong-thap-xay-dung-nhieu-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-thuan-thien-121152.aspx