Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững

Sau hơn 10 năm tỉnh Đồng Tháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đã có nhiều sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đồng Tháp ngày càng được nâng cao, từ đó phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khuyến khích các địa phương nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khuyến khích các địa phương nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100% (vượt so với chỉ tiêu đặt ra theo Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 28/02/2022 của UBND tỉnh); trong đó, có 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành đạt chuẩn NTM; 3 thành phố: Hồng Ngự, Sa Đéc, Cao Lãnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM).

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM khoảng 7.525 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khoảng 298 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Trong đó, một số mô hình nông nghiệp nổi bật, hiệu quả trong quá trình thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương - huyện Cao Lãnh, tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu “Xoài Cao Lãnh” vươn xa; mô hình “Canh tác lúa thông minh” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 - huyện Tháp Mười, thực hiện thí điểm 7,6 ha/5 hộ, đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất (mô hình đã nhân rộng lên 60ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ)…

Bên cạnh đó, tỉnh còn có các mô hình hội quán nông dân góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như: xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung, làng khô, làng mắm… Chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giam-ngheo-thong-tin/dong-thap-xay-dung-nong-thon-moi-theo-huong-ben-vung-128035.aspx