Đồng thuận thực hiện chủ trương sáp nhập bản
Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám nắm cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã tuyên truyền chủ trương sáp nhập bản, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản trên địa bàn. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác của UBND huyện tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập bản. Các thành viên của Ban chỉ đạo, tổ công tác được phân công nhiệm vụ phụ trách các bản bám sát cơ sở, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, điều kiện thực tế tại xã, từ đó đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp.
Trong quá trình thực hiện, các thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với Đảng ủy, UBND xã, Ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thẩm định hồ sơ; rà soát, giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi sắp xếp, sáp nhập bản. Chỉ đạo kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể bản sau khi sáp nhập.
Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, chia sẻ: Thực hiện chủ trương sáp nhập bản, xã chỉ đạo các bản tổ chức họp, xin ý kiến bà con và lựa chọn trưởng bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong 5 năm qua, xã có 10 bản sáp nhập; sau sáp nhập, giảm từ 24 xuống 14 bản. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các bản rà soát cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa đề xuất với cấp trên có phương án đầu tư phù hợp sau sáp nhập.
Bên cạnh đó, huyện Phù Yên chỉ đạo lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, bảo đảm theo chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản. Giải quyết chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời đối với 1.498 cán bộ bản dôi dư sau khi sáp nhập.
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phù Yên, thông tin: Giai đoạn 2019-2023, huyện có 26 xã thực hiện sáp nhập bản; sau khi triển khai thực hiện 5 đợt sắp xếp, sáp nhập, đã giảm 118 bản, khối phố. Hiện nay, toàn huyện có 202 bản, tiểu khu, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi phí từ ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức đoàn thể ở bản.
Trong năm 2023, huyện Phù Yên thực hiện sáp nhập 10 bản thành 5 bản, sau khi hoàn thành phương án sáp nhập UBND huyện Phù Yên đã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp cùng các địa phương lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, nhân dân đều có sự đồng thuận với thực hiện chủ trương sáp nhập bản, đến hết tháng 9, huyện Phù Yên đã hoàn thành việc sáp nhập các bản.
Sau sáp nhập, tình hình nhân dân ổn định, bà con sống hòa thuận, thực hiện tốt quy định pháp luật Nhà nước, quy ước, hương ước tại khu dân cư; an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra điểm nóng, phức tạp tại địa bàn. Cùng với đó, huyện quan tâm triển khai điều chỉnh thông tin, giấy tờ có liên quan đến hộ khẩu, đất đai, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; phương án quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng xã hội cho nhân dân đảm bảo theo quy định.
Bản Thín, xã Tường Tiến được thực hiện sáp nhập trên cơ sở 2 bản Thín và bản Cột Mốc, sau khi hoàn thành việc sáp nhập vào trung tuần tháng 9 vừa qua, bản hiện có 151 hộ dân với dân tộc Thái, Mường và Mông cùng chung sống. Ông Vì Ngọc Sâm, bản Thín chia sẻ: Trước khi sáp nhập, chúng tôi được cán bộ xã xuống bản tuyên truyền về chủ trương thực hiện sáp nhập. Cá nhân tôi cũng như nhân dân trong bản Thín cũ đều nhất trí cao với chủ trương được đưa ra. Từ khi sáp nhập, chúng tôi cũng thường trao đổi thông tin tạo sự thống nhất trong kế hoạch sản xuất để báo cáo, xin ý kiến UBND xã về phương án sản xuất trong năm 2024 tới đây.
Tuy nhiên, sau sáp nhập còn một số khó khăn vướng mắc về các thiết chế văn hóa cũ không đáp ứng với quy mô số hộ. Việc triển khai sinh hoạt, họp bản gặp khó do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn; phụ cấp đối với cán bộ bản chưa đáp ứng; hệ thống phúc lợi công cộng một số bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo.
Hiện nay, huyện đã chỉ đạo rà soát, tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau khi sáp nhập bản; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống của nhân dân.