Đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Đồng Nai vừa ban hành Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh năm 2025. Sau sắp xếp, từ 159 ĐVHC cấp xã hiện nay sẽ sáp nhập thành 55 ĐVHC cấp xã mới (giảm hơn 65% số phường, xã). Nội dung này đang được tỉnh triển khai lấy ý kiến người dân và được đông đảo người dân quan tâm.

Đại diện UBND xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) hướng dẫn người dân ở ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1 điền phiếu lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: HỮU THẮNG
Báo Đồng Nai ghi nhận một số ý kiến của người dân trong tỉnh liên quan đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Chính Tần, đảng viên Chi bộ khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch):
Huy động được nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Tôi rất đồng thuận với việc sáp nhập các xã, phường, thị trấn để giúp giảm bớt số lượng cán bộ, công chức, tiết kiệm chi phí hành chính. Đặc biệt là người dân kỳ vọng sau sáp nhập, bộ máy hành chính các địa phương được tổ chức lại một cách khoa học, hợp lý hơn, giảm thiểu các khâu trung gian, nâng cao năng lực giải quyết công việc và phục vụ người dân.
Các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, tiềm năng về không gian phát triển, dân số và nguồn lực cũng lớn hơn. Điều này tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và hiệu quả.
Để đạt được sự đồng thuận cao của người dân, tôi cho rằng quá trình sáp nhập cần đảm bảo tính minh bạch và tôn trọng ý kiến của người dân. Nhất là khi chính quyền các cấp tổ chức lấy ý kiến người dân để lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến việc điều chỉnh các loại giấy tờ (đất đai, giấy phép kinh doanh, căn cước…).

Ông Nguyễn Thanh Biên, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Bình Hóa, phường Hóa An (thành phố Biên Hòa):
Chủ trương đúng, cần quyết tâm, đồng thuận sẽ thành công
Theo Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025, các phường: Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn dự kiến sẽ hợp thành phường mới lấy tên là phường Biên Hòa (trụ sở đặt tại phường Hóa An cũ) với quy mô dân số 74.919 người, diện tích 21,46km2. Đây là tin vui với cán bộ, nhân dân trên địa bàn các phường dự kiến sẽ sáp nhập thành phường Biên Hòa, vì tên gọi của phường mới gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Sự sắp xếp, sáp nhập các phường trên nhằm tinh gọn bộ máy, tạo động lực và không gian phát triển chung cho các phường hiện hữu, không chỉ bản thân ông đồng tình mà tất cả đảng viên, cán bộ và nhân dân trong khu phố đều đồng tình khi tiếp nhận thông tin, lấy ý kiến.
Sự sắp xếp, sáp nhập đó sẽ đặt ra trách nhiệm lớn cho bộ máy chính quyền, cũng như cán bộ, công chức trong việc quản lý, điều hành một phường có quy mô diện tích, dân số lớn. Tuy nhiên, đã là chủ trương đúng, tất cả đều quyết tâm, đồng thuận, thống nhất thì mọi việc sẽ suôn sẻ, thành công.

Ông Nguyễn Thái Sơn (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa):
Lấy tên Trấn Biên đặt tên phường rất hay và ý nghĩa
Tới đây phường Thống Nhất nơi tôi đang ở sẽ sáp nhập với một số phường lân cận và có tên mới là phường Trấn Biên. Việc lấy tên Trấn Biên đặt tên phường, theo tôi là rất hay và ý nghĩa, vì Văn miếu Trấn Biên là biểu trưng cho truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, hào khí dân tộc và văn hóa của người Việt ở đất phương Nam.
Phường Trấn Biên khi thành lập sẽ có diện tích và quy mô dân số gần 200 ngàn người, có thể xem là “siêu phường” của Đồng Nai, đòi hỏi công tác quản lý phải đổi mới sao cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Mong rằng sắp xếp các ĐVHC mới sẽ tập trung xây dựng chính quyền địa phương cấp cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước gần dân hơn, hiểu dân hơn, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, kịp thời hơn.

Bà Vương Thị Sượi (ngụ ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất):
Phát huy hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân tốt hơn
Tôi đồng thuận với Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025 và Đề án Sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai mà Đồng Nai đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước kỳ vọng sẽ tạo sự liên kết, mở ra thêm cơ hội phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho Đồng Nai sau này. Mong muốn của tôi là sau khi hợp nhất và tinh gọn bộ máy hành chính, ĐVHC mới, cùng bộ máy lãnh đạo mới sẽ phát huy hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân tốt hơn.
Tới đây, xã Gia Tân 1 sẽ hợp nhất với các xã: Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất); xã Phú Cường, xã Phú Túc (huyện Định Quán) và lấy tên mới là xã Thống Nhất. Việc này chính quyền đang triển khai lấy ý kiến và được người dân hưởng ứng, thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025.
Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là sau khi ĐVHC mới được thành lập, người dân phải cập nhật lại các thông tin giấy tờ cá nhân cho phù hợp. Mong chính quyền hỗ trợ người dân khâu này, bộ máy hành chính mới khi hoạt động cần cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà. Đồng thời, có những cải cách về mọi mặt, quan tâm bồi dưỡng nhân lực, áp dụng công nghệ trong quản lý thực thi công vụ nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Hoàng (ngụ phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh):
Cán bộ, công chức cấp xã cần nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn
Theo Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025, phường Bảo Vinh sẽ sáp nhập với xã Bảo Quang (thành phố Long Khánh). Tôi rất phấn khởi ủng hộ việc sáp nhập này, vì phường Bảo Vinh và xã Bảo Quang vốn trước đây là xã Bảo Vinh, từng là căn cứ kháng chiến của Thị ủy Long Khánh với nhiều chứng cứ lịch sử hào hùng. Cho nên, việc sáp nhập rất phù hợp, ý nghĩa và thuyết phục được lòng dân. Hơn nữa, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương để có nguồn lực chăm lo cho người dân được chu đáo, cuộc sống của bà con ngày càng cải thiện và khá lên.
Điều tôi mong muốn là sau khi sáp nhập ĐVHC cấp xã và đưa bộ máy vào hoạt động thì đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn hơn nữa để đáp ứng tình hình mới hiện nay. Đặc biệt, người cán bộ, công chức phải giỏi sử dụng công nghệ thông tin nhằm áp dụng vào nhiệm vụ công việc cho có hiệu quả. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần có hướng giải quyết phù hợp đối với những cán bộ, công chức không tiếp tục công việc để họ ổn định tâm lý và đảm bảo cuộc sống sau này.
“Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện sáp nhập theo Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025 và Đề án Sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, cần xây dựng phương án một cách khoa học, toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử và đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, phải có các chính sách hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động yên tâm công tác trong giai đoạn sau khi sáp nhập” - ông Nguyễn Chính Tần, đảng viên Chi bộ khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), kiến nghị.
Nhóm phóng viên (ghi)