Đồng tiền BRICS thách thức USD?

Khi căng thẳng với Mỹ leo thang, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang chuẩn bị giáng đòn mạnh vào quyền bá chủ của đồng USD?

Liệu BRICS có đáp ứng các tiêu chí cần thiết để xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không?

Liệu BRICS có đáp ứng các tiêu chí cần thiết để xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không?

Một thỏa thuận tài chính mới, được coi là có tiềm năng chuyển đổi thành một loại tiền tệ chung của BRICS được đảm bảo bằng vàng, có thể được công bố ngay vào tháng Tám tới, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi.

Đồng tiền chung BRICS?

Giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư chưa nên mong đợi Trung Quốc hay một cường quốc nào khác từ bỏ đồng USD trong thương mại quốc tế ngay lập tức. Bởi tính đến hiện tại, vẫn chưa xuất hiện “đối thủ” tiềm năng nào có thể “đủ điều kiện” để lập tức thay thế USD.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới BIRCS Leslie Maasdorp nhận định: “Sẽ mất một thời gian rất dài để hình thành loại tiền tệ có khả năng thay thế, có thể là trung hạn, dài hạn hoặc lâu hơn…

Tuy nhiên, điều đó nói lên rằng, xu hướng phi USD hóa không phải là một ảo mộng xa vời. Nó đang xảy ra, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lưu ý rằng, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của họ giảm dần trong những năm qua.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi giữa các quốc gia về giao dịch bằng các loại tiền tệ khác, ngoài USD, do sự gián đoạn kinh tế bắt nguồn từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga. Đặc biệt, để tránh các lệnh trừng phạt, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài thách thức hệ thống tài chính do USD thống trị, do đã bị đưa vào “danh sách đen” mất quyền thanh toán quốc tế - “trục xuất” khỏi Hệ thống SWIFT.

Một số quốc gia khác “bật chế độ phòng thủ” khi chú ý nhiều hơn đến “danh sách đen trả đũa” - điều mà trước đây, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ không dùng đến. Trong khi đó, Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, chưa bao giờ hết tham vọng về một đồng Nhân dân tệ (NDT) có thể thế chỗ USD.

Xem xét khả năng của BRICS trong việc phát triển một loại tiền tệ toàn cầu mới, cạnh tranh với USD, qua bài bình luận có tiêu đề “Đồng tiền BRICS: Ý tưởng có khả thi?” trên chuyên trang ORF, chuyên gia cao cấp Kanishk Shetty nhận định, BRICS tích cực đẩy mạnh giao dịch nội bộ bằng đồng nội tệ bởi có lợi. Một đồng tiền chung không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối BRICS mà còn loại bỏ chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế.

Bước đầu tiên, các quốc gia thành viên do Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu khám phá các thỏa thuận thương mại song phương bằng tiền tệ quốc gia. Sau quá trình chuyển đổi sang giao dịch tiền tệ quốc gia được thực hiện, BRICS tích cực xem xét giới thiệu và lưu hành tiền kỹ thuật số hoặc một loại tiền thay thế.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia BRICS ủng hộ sáng kiến mới này vì những lý do khác nhau. Nga và Trung Quốc đi đầu vì lợi ích chính trị. Ấn Độ, Nam Phi và Brazil cũng có lý do riêng, khi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đồng USD và thuận tiện hơn trong việc trả nợ cho các tổ chức quốc tế.

Một nghiên cứu năm 2019 của Global Business Review so sánh hành vi chuyển đổi chế độ của tỷ giá hối đoái thực của năm quốc gia BRICS trước và sau khi thành lập nhóm. Nghiên cứu kết luận, việc đưa vào một sự tương tác chính sách mạnh mẽ hơn mở ra cơ hội về một liên minh tiền tệ mạnh giữa các thành viên BRICS.

Tham vọng chung, khó khăn riêng

Liệu BRICS có đáp ứng các tiêu chí cần thiết để xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không?

Đồng USD đóng một vai trò nổi trội trong nền tài chính toàn cầu. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, USD được giao dịch nhiều nhất, chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu. Một trong những lý do để USD trở thành đồng tiền thống trị do Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 25.460 tỷ USD, tức là 24% GDP của thế giới. Thu nhập quốc dân của một quốc gia càng lớn thì nhu cầu về tài sản của quốc gia đó càng lớn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ đồng tiền của quốc gia đó càng lớn.

Khối BRICS có GDP hơn 32.720 tỷ USD, tức là 31,59% GDP thế giới. Như vậy, BRICS có quy mô sức mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Mỹ có một hệ thống tài chính lớn và phức tạp, bao gồm mạng lưới các ngân hàng, công ty đầu tư và các tổ chức tài chính khác có khả năng xử lý các giao dịch quốc tế. Các nhà đầu tư trên toàn thế giới thích mua chứng khoán bằng USD vì tính an toàn và tính thanh khoản.

Năm 2014, BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) như một giải pháp thay thế cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cơ chế thanh khoản Thỏa thuận dự trữ dự phòng (CRA) của NDB thu hút nhiều nước đang phát triển khi họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dự trữ USD và không thể thanh toán nợ quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình điều chỉnh cơ cấu của IMF buộc các quốc gia phải giảm chi tiêu chính phủ, tăng cường tư nhân hóa và bãi bỏ quy định. Kết quả là, không có khả năng xây dựng chính sách độc lập buộc các quốc gia đó phải chuyển sang NDB để nhận các khoản vay và hỗ trợ phát triển.

NDB phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ. Những phát triển này cho thấy khả năng tiếp cận tài chính ngày càng tăng của BRICS để sử dụng tài sản lưu động của mình.

Với sức mạnh quân sự và vị trí trong nền chính trị toàn cầu, Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề quốc tế. Ảnh hưởng toàn cầu này giúp Mỹ củng cố vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ toàn cầu không bị thách thức.

Tuy nhiên, khối BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - là những quốc gia có lực lượng quân đội đáng gờm, chỉ sau Mỹ, theo Chỉ số Quốc phòng toàn cầu. Nga đứng thứ hai, Trung Quốc thứ ba và Ấn Độ đứng thứ tư.

Giống như khả năng thành lập liên minh quân sự BRICS khó xảy ra, do những quan điểm khác nhau. Các kịch bản đặt ra về một liên minh tiền tệ cũng vậy, mỗi quốc gia đều có toan tính riêng và sự sẵn sàng không giống nhau.

Do sự khác biệt giữa các nền kinh tế thành viên BRICS, không rõ liệu lợi ích của một đồng tiền chung có lớn hơn chi phí hay không? Tạm chưa tính tới quyết tâm chính trị sau việc phi USD hóa, thách thức của việc phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc cũng có thể dẫn đến xung đột lợi ích, thậm chí tranh chấp trong khối.

Như vậy, dù một loại tiền tệ chung thay thế có thể loại bỏ hiệu quả chi phí chuyển đổi USD trong thanh toán quốc tế, các thành viên BRICS có thể phải thận trọng trước khi thực hiện bước đi hướng tới xây dựng một loại tiền tệ mới vì hành động có thể đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của từng nước, khi xem xét các lý do khác nhau để hỗ trợ sáng kiến này.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-tien-brics-thach-thuc-usd-234416.html