Dòng tiền chủ động, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 4/7, VN-Index ghi nhận mức tăng 5,01 điểm (+0,36%) lên 1.386,97 điểm, trong khi HNX-Index cũng cộng thêm 1,58 điểm (+0,68%) lên 232,51 điểm. Mặc dù mức tăng không lớn, song thị trường thể hiện sự tích cực rõ rệt khi độ rộng nghiêng hẳn về phía bên mua với 447 mã tăng so với 272 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản hàng đầu thị trường hôm nay đều xanh

Nhóm cổ phiếu thanh khoản hàng đầu thị trường hôm nay đều xanh

Thanh khoản thị trường có phần hạ nhiệt so với phiên liền trước. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE đạt hơn 834 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 19.874 tỷ đồng; trên sàn HNX đạt hơn 89,5 triệu cổ phiếu, với giá trị xấp xỉ 1.500 tỷ đồng. Dù giảm gần 35% so với phiên đột biến hôm qua, thanh khoản hôm nay vẫn cao hơn mức trung bình 5 tuần gần nhất, phản ánh sự hiện diện rõ rệt của dòng tiền chủ động.

Phiên chiều mở đầu bằng trạng thái giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Tuy nhiên, càng về cuối, lực mua càng chiếm ưu thế, đẩy VN-Index tăng dần và đóng cửa tại đỉnh cao nhất trong ngày. Đáng chú ý, dù các trụ lớn như VIC (-2,75%), VHM (-0,39%) tạo sức ép lớn, chỉ số vẫn giữ vững xu hướng đi lên nhờ lực kéo từ các mã như FPT, VCB, BID và ACB, đóng góp tổng cộng khoảng 3,5 điểm tăng cho VN-Index.

Nhóm cổ phiếu VN30 cũng ghi nhận diễn biến tích cực với 23 mã tăng/4 mã giảm. VN30-Index tăng 0,51% nhờ các mã dẫn dắt như FPT (+3,81%), BVH (+3,58%), ACB (+2,1%), MWG (+1,38%) và SSB (+1,09%). Trong số này, chỉ FPT nằm trong top 10 vốn hóa và đóng góp lớn nhất với 5,1 điểm tăng cho chỉ số VN30, đồng thời hỗ trợ gần 1,6 điểm cho VN-Index.

Mặc dù VIC và VHM liên tục tạo các điểm đáy trong phiên, kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu, nhưng sức mạnh lan tỏa từ nhóm mid-cap và dòng tiền chủ động vẫn giúp thị trường giữ sắc xanh. Trên sàn HoSE, có tới 204 mã tăng giá so với 101 mã giảm, trong đó 89 mã tăng hơn 1%, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh chỉ số chung chỉ tăng 0,36%.

Thanh khoản tại nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất (89 mã) chiếm tới 43,5% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Điều này cho thấy dòng tiền không chỉ tồn tại mà còn được phân bổ hiệu quả vào các cổ phiếu tăng giá. Các mã nổi bật với thanh khoản vượt trăm tỷ đồng bao gồm: FPT (1.555,1 tỷ đồng), VIX (1.075,6 tỷ), DIG, PDR, TCH, NVL, HHS, VTP, KHG… đều tăng trên 2%.

Điểm nhấn nổi bật trong phiên tiếp tục đến từ khối ngoại khi nhóm này mua ròng hơn 1.780 tỷ đồng trên HoSE, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp giải ngân mạnh với quy mô lớn. Tổng giá trị mua vào đạt 3.632 tỷ đồng, dù thấp hơn mức 4.175 tỷ đồng hôm qua, nhưng vẫn nằm trong top cao nhất 8 phiên gần đây.

FPT tiếp tục là mã được mua ròng mạnh nhất với 458,7 tỷ đồng, theo sau là ACB (273,6 tỷ), MWG (131,5 tỷ), HPG (114,7 tỷ), SSI, DIG, NVL, HCM, VIX, GMD và PDR. Ở chiều bán ra, đáng chú ý có VIC (-135,8 tỷ), GEX (-81,7 tỷ), GVR (-71,8 tỷ), VHM (-47,8 tỷ). Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng thêm 74 tỷ đồng, tập trung vào các mã IDC, CEO, SHS và NTP.

Về mức độ đóng góp theo ngành, công nghệ thông tin là nhóm tăng mạnh nhất với 3,68%, dẫn dắt bởi FPT (+3,81%), CMG (+1,35%), ITD (+2,6%) và đặc biệt POT (+9,71%). Tiếp theo là ngành viễn thông (+1,39%) và tài chính (+0,69%). Ngược lại, bất động sản lại là nhóm gây sức ép với mức giảm chung 0,64%, chịu ảnh hưởng từ VIC, SSH, DXS và VHM.

Dù nhiều mã bluechip tăng, rổ VN30 ghi nhận thanh khoản thấp nhất trong 11 phiên với chỉ 8.653 tỷ đồng, tương đương 43,5% tổng giá trị sàn HoSE. Trong khi đó, HoSE có 31 cổ phiếu khớp lệnh vượt 200 tỷ đồng, chiếm tới 64,1% giao dịch toàn sàn – cho thấy dòng tiền đang chọn lọc vào các mã có nền tảng cơ bản hoặc đang trong xu hướng tăng mạnh.

Ở phía giảm giá, dù có 101 mã đỏ sàn, phần lớn thanh khoản thấp, ngoại trừ VIC với 366,9 tỷ đồng khớp lệnh. Mã này đang phát đi tín hiệu tiêu cực với nguy cơ hình thành mô hình hai đỉnh, một dấu hiệu kỹ thuật đáng lo ngại. Một số mã khác như FTS, GVR, VSC và HAH giảm trên 1%, nhưng cũng không tác động lớn đến thị trường chung.

Thị trường kết phiên trong sắc xanh nhẹ nhưng tích cực, với sự hỗ trợ từ dòng tiền chủ động và khối ngoại mua ròng mạnh mẽ. Mặc dù áp lực từ các trụ như VIC và VHM vẫn hiện hữu, sức lan tỏa tốt của các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cùng sự tập trung dòng tiền đã giúp VN-Index giữ vững xu hướng đi lên. Trong bối cảnh thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và khối ngoại tiếp tục giải ngân đều đặn, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được quán tính tăng điểm trong các phiên sắp tới.

Phan Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-tien-chu-dong-khoi-ngoai-tiep-tuc-mua-rong-manh-166848.html