Dòng tiền có tìm về cổ phiếu vua sau khi lãi suất tiếp tục hạ nhiệt?
Lãi suất hạ nhiệt liên tiếp có thể kích hoạt một dòng tiền đi trước mở đường vào các cổ phiếu đang được định giá rẻ và có tiềm năng tăng trưởng ổn định trong trung-dài hạn, trong đó có cổ phiếu ngân hàng.
Tác động lan tỏa
Lãi suất tham chiếu giảm – tương đương với mặt bằng thiết lập trong năm 2022, được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế, trong đó có nhiều khu vực trọng yếu như công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông-lâm nghiệp và thủy sản, từ đó đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm. Động thái cắt giảm lãi suất của nhà điều hành trong ngày 23/5 vừa qua không nằm ngoài mục đích tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, qua đó kích cầu tiêu dùng và phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 3.32% - thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI), cùng với đó, trượt xuống ngưỡng 50 điểm trong tháng 4 vừa qua. Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ – chỉ đạt xấp xỉ 3% so với cuối năm 2022.
Các yếu tố nói trên, cùng với lạm phát duy trì đà giảm trong khi tỷ giá neo ở mức ổn định đã tạo điều kiện để nhà điều hành tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi.
Lãi suất điều hành hạ nhiệt sẽ từng bước đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp – ước tính trong 3-6 tháng tới, qua đó kích cầu tín dụng cho doanh nghiệp đi vay với mục đích đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, với chi phí vay rẻ hơn, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho mục đích tiêu dùng, từ đó gia tăng đơn hàng tại các doanh nghiệp. Đây là hai yếu tố được cho là sẽ tích cực hỗ trợ cải thiện tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
“Tiền gửi có kỳ hạn sẽ kém hấp dẫn hơn do lãi suất thấp hơn, điều này có thể giúp tăng lượng tiền CASA, góp phần làm giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng,” Công ty Chứng khoán (CTCK) Yuanta viết trong một báo cáo phát hành mới đây.
Ngoài ra, vấn đề trích lập dự phòng tại các ngân hàng cũng phần nào được giải tỏa trong thời gian tới khi lãi suất hạ giúp người đi vay giảm bớt gánh nặng trả lãi vay và hoàn thành trách nhiệm trả nợ đúng hạn. Các tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu, cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm lãi xuất, theo Yuanta.
Đón dòng vốn lớn
Lãi suất giảm giúp dòng tiền tìm tới những kênh đầu tư khác thay thế kênh tiết kiệm, như thị trường chứng khoán – với tâm điểm là các mã cổ phiếu ngân hàng khi đây là một trong những ngành có tiềm năng tăng trưởng bền vững, mang lại lợi tức vượt trội cho các nhà đầu tư trong trung-dài hạn.
Theo phân tích của CTCK BSC, khi lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm – thống kê có 29 lần hạ lãi suất kể từ năm 2000 tới nay, thị trường chứng khoán thường có xu hướng đi lên sau đó. Từ năm 2000-2023, sau mỗi lần hạ lãi suất của nhà điều hành, tại các thời điểm 1, 3 và 6 tháng sau đó thị trường ghi nhận mức tăng trung bình 1.17%, 2.56% và 13.6% tương ứng của VNIndex. Đáng chú ý, 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020 ghi nhận mức tăng tương ứng 17.89%, 13.31% và 31.03% của VNIndex 6 tháng sau khi chính sách điều chỉnh lãi suất đi vào hiệu lực.
Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực đã ghi nhận tăng trưởng tích cực sau các lần tăng lãi suất gần đây – lần hạ lãi suất tái cấp vốn (31/03/2023), hạ lãi suất chiết khấu (14/03/2023) và hạ lãi suất điều hành 1% (30/09/2020), trong đó có bán lẻ, bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng trong thời gian từ 1-6 tháng sau khi chính sách hạ lãi suất điều hành được công bố.
“Nhìn chung, các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với tin này,” BSC nhận định.
Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng nói riêng, dựa trên triển vọng tăng trưởng của ngành và của từng ngân hàng, các CTCK có chung nhận định về tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn của nhiều ngân hàng trước các thách thức dự báo trong năm 2023, tuy nhiên một khi nền kinh tế tăng tốc phục hồi, chu kỳ sinh lời và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng sẽ được giữ vững trong 3-4 năm tới.
“Trong chu kỳ 3-4 năm, chúng tôi vẫn thấy dư địa lớn để các ngân hàng Việt ghi nhận các động lực tăng trưởng mạnh mẽ (tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tỷ lệ NIM khoảng 4% và tăng trưởng thu nhập phí trên 20%)”, CTCK Maybank nhận định.
Theo Maybank, trong 4 năm qua (2019-2022), các ngân hàng niêm yết đã tạo ra trên 25% lợi tức đầu tư mỗi năm cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng theo chiến lược mua và nắm giữ. Một số ngân hàng như VIB, SHB và VPB thậm chí còn tạo ra lợi nhuận trung bình 35-50% trong 4 năm qua cho các nhà đầu tư này.
Bên cạnh đó, CTCK này cũng cho rằng định giá ngân hàng Việt đang ở mức thấp sau các đợt điều chỉnh trên thị trường chứng khoán và giai đoạn đóng băng của thị trường trái phiếu. Các mã cổ phiếu ngân hàng, theo đó, đang giao dịch ở mức bình quân 1.3 lần P/B năm 2022 và 1.1 lần P/PV năm 2023 – ở mức thấp so với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) mạnh của các ngân hàng.
Các ngân hàng có nền tảng để tạo ra lợi nhuận tốt và tỷ lệ ROE vượt trội có thể kể tới như TCB, VCB, MBB, VPB và BID…