Dòng tiền đầu tư 'luẩn quẩn' ở trái phiếu chính phủ rồi cuối cùng vẫn chảy vào nhà băng
Sau 2 năm phải điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành, năm 2023 hoạt động huy động trái phiếu chính phủ khởi sắc trở lại trong 5 tháng đầu năm.
Và Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành rất tốt trái phiếu chính phủ (TPCP) lại phải đem tiền gửi nhà băng vì đầu tư công bị nghẽn. Cùng lúc, khoản đầu tư TPCP của nhiều NH cũng tăng mạnh trong bối cảnh tín dụng không có đầu ra.
TPCP được mùa
Năm 2022, kế hoạch ban đầu của KBNN sẽ phát hành 400.000 tỷ đồng TPCP. Sau đó, KBNN điều chỉnh giảm kế hoạch gần một nửa, xuống 215.000 tỷ đồng. Kết quả, tổng giá trị phát hành 214.722 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch điều chỉnh. Năm nay, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ phát hành TPCP cho KBNN 400.000 tỷ đồng, bằng kế hoạch ban đầu của năm 2022 và gấp gần 1,9 lần so với kế hoạch điều chỉnh.
Hồi đầu năm, KBNN từng nhận định việc huy động vốn TPCP sẽ nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước cũng khó khăn… Tuy nhiên mấy tháng qua, huy động TPCP lại đảo chiều khởi sắc.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý I, KBNN đã tổ chức 39 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu đạt 131.250 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu 104.873 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt gần 80%. Với mức này, tổng giá trị trúng thầu đạt 26% kế hoạch năm và đạt 97% kế hoạch quý I (108.000 tỷ đồng).
Việc các nhà băng đổ xô vào TPCP và KBNN phát hành TPCP lấy tiền đem gửi lại NH, chỉ là giải vây cho chính mình, chưa mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế.
Tiếp tục trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, KBNN tổ chức 31 phiên đấu thầu TPCP, tổng giá trị trúng thầu đạt 57.600 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch 120.000 tỷ đồng của quý II. Lũy kế 5 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được 162.952 tỷ đồng, đạt gần 41% kế hoạch cả năm 2023, đặc biệt tăng 188,4% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, KBNN đã hoàn thành mục tiêu huy động các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm.
Nhờ nhà băng dồi dào dòng tiền nhưng khó cho vay
Đáng chú ý, TPCP nửa đầu năm nay được mùa trong bối cảnh lợi suất TPCP giảm ở tất cả kỳ hạn so với quý IV-2022. Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN, cùng với mặt bằng lãi suất liên NH giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống NH đã trở lại, là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho mặt bằng lãi suất trúng thầu các đợt đấu thầu năm 2023. Bên cạnh đó, VBMA còn đề cập đến nguyên nhân từ việc nhu cầu gia tăng trở lại từ nhóm NHTM.
Theo ghi nhận của ĐTTC, trong quý I danh mục đầu tư TPCP của các NHTM cũng tăng đáng kể. Cụ thể, khoản mục chứng khoán Chính phủ của TPBank đã tăng từ 24.326 tỷ đồng lên 26.201 tỷ đồng. Tương tự, khoản đầu tư chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương của LPBank tăng từ 27.915 tỷ đồng lên gần 29.680 tỷ đồng.
Hay tại VIB khoản đầu tư của TPCP tăng từ 4.887 tỷ đồng cuối năm 2022 lên 11.402 tỷ đồng vào cuối quý I. Khoản mục chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành của MB cũng tăng mạnh từ 24.273 tỷ đồng cuối năm ngoái lên mức 36.053 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Tại SeABank, đầu tư TPCP tăng từ 3.168 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 9.269 tỷ đồng vào cuối quý I.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc AFA Group, cho rằng việc các NH đổ vốn vào TPCP là hợp lý, vì hiện tại lãi suất trên thị trường đang giảm, phần lợi tức thu được từ tăng giá trái phiếu là có. Trong khi đó, các NH đang nắm lượng tiền lớn nhưng cho vay hay không cho vay đều khó. Cho vay có nguy cơ nợ xấu và không cho vay ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì vậy, họ chọn cho Nhà nước vay, tức mua TPCP.
Nền kinh tế có hưởng lợi?
Nhìn bao quát toàn thị trường, hiện các NHTM vẫn là người chơi chính trên thị trường TPCP, quyết định khả năng huy động vốn của thị trường. Một chuyên gia kinh tế nhận định, tại Việt Nam TPCP vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn và có thể kinh doanh theo dạng như một loại chứng khoán, mua bán trên thị trường thứ cấp.
Với kênh này, các công ty bảo hiểm cũng tham gia như một cách dự trữ tài chính, vì TPCP biến động ít sẽ an toàn hơn, bảo tồn nguồn tiền của khách hàng. Tuy nhiên, mức độ tham gia của nhóm này hay của nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh, vì họ còn có nhiều kênh đầu tư sinh lãi tốt hơn như mua cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác, gửi tiền tại NH…
Còn với các NHTM, theo Thông tư 06/2016 sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014 của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, tỷ lệ mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của tháng liền kề trước đó đối với NHTM có vốn nhà nước là 25%; đối với NHTMCP, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài, chi nhánh NH nước ngoài, tỷ lệ này 35%.
Vì vậy, một số NHTM xem đây là điểm trú ẩn trong bối cảnh nguồn vốn huy động dư dả chưa có đầu ra và diễn biến của thị trường TPCP thường phụ thuộc vào nhóm này. Nhưng do các NHTM là nhà đầu tư chủ đạo, nên TPCP phát hành thành công tập trung ở kỳ hạn ngắn, vì các NH chủ yếu có nguồn vốn ngắn hạn, khó cân đối để đầu tư trái phiếu các kỳ hạn dài. Cụ thể, các năm qua khối lượng TPCP kỳ hạn 5-10 năm ở mức rất cao, khiến ngân sách luôn thường trực đối mặt với áp lực trả nợ.
Tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 25-5, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng nút thắt lớn hiện nay là vấn đề tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống NH ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, đến tháng 5 này lên tới 1 triệu tỷ đồng.
Từ đầu năm tới ngày 17-5, KBNN vẫn phải phát hành trái phiếu huy động vốn trong nước tới 158.000 tỷ đồng, trong khi mức đáo hạn TPCP chỉ 17.000 tỷ đồng, tổng mức vay ròng từ nền kinh tế 141.000 tỷ đồng. “Số tiền này tương đương lượng tiền KBNN đấu thầu theo lãi suất thị trường tiền tệ gửi chủ yếu tại nhóm NHTM có vốn nhà nước” - ông Đồng nói.
Như vậy, các NHTM mua TPCP từ KBNN để tiêu bớt tiền thừa, rồi KBNN đem tiền huy động được gửi trở lại hệ thống NH. Vòng tròn này cho thấy không bơm tín dụng ra sẽ không mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế. Mặt khác, đầu tư công bị nghẽn, nguồn TPCP huy động được cũng không được đẩy ra. Điều này có nghĩa nền kinh tế khó có nhiều động lực để bứt tốc.