Dòng tiền lan tỏa, VN-Index có thể duy trì đà tăng với biên độ hẹp
Thị trường đang hướng tới vùng 1.400 điểm trong trạng thái tích lũy và rung lắc tăng dần. Dòng tiền lan tỏa cùng thanh khoản bứt phá là tín hiệu cho nhịp tăng tiếp theo...

Thị trường mở đầu tháng 7 (từ ngày 30/6-4/7) bằng một tuần giao dịch đầy cảm xúc, nơi các yếu tố vĩ mô, dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư đan xen, tạo nên bức tranh thị trường sôi động và có phần đột biến.
VN-Index kết tuần ở mức 1.386,97 điểm, tăng 1,13% và đang áp sát vùng kháng cự quanh 1.400 điểm, mốc đỉnh đáng nhớ của tháng 7/2021. VN30 cũng ghi nhận nhịp tăng 0,87% lên 1.488,77 điểm, tiến gần vùng giá mạnh quanh 1.500 điểm, khu vực từng là vùng tích lũy dày đặc vào tháng 3/2022.
Điểm sáng lớn nhất tuần qua chính là thanh khoản. Phiên 3/7/2025, giá trị giao dịch trên sàn HOSE bùng nổ với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu, đưa tổng thanh khoản tuần lên trên 30.000 tỷ đồng, con số không chỉ phản ánh dòng tiền quay trở lại mà còn cho thấy kỳ vọng đang được củng cố. Bên cạnh đó, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng với giá trị lên đến 5.167 tỷ đồng, tạo lực đẩy niềm tin đáng kể sau chuỗi ngày bán ròng kéo dài.
Về diễn biến ngành, thị trường ghi nhận sự luân chuyển tích cực. Nhóm cảng biển, chứng khoán, thủy sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin, bảo hiểm và ngân hàng lần lượt luân phiên dẫn dắt. Trong khi đó, nhóm dệt may và khu công nghiệp chịu áp lực điều chỉnh khi thông tin liên quan đến chính sách thuế quan được công bố ở mức cao.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2507 (mã 41I1F7000) tăng 0,84%, đóng cửa tuần ở mức 1.472,2 điểm, vượt nhẹ vùng đỉnh gần nhất. Tuy nhiên, mức chênh lệch âm với chỉ số VN30 vẫn duy trì ở -16,57 điểm, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu, và xu hướng mở rộng vị thế phòng ngừa rủi ro đang được ưu tiên. Các kỳ hạn xa như VN30F2509, VN30F2512 ghi nhận mức basis âm sâu hơn (-22 đến -27 điểm), cho thấy nhà đầu tư đang giữ quan điểm dè dặt với triển vọng trung hạn.
Điểm cần chú ý là khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh sụt giảm 14,6% so với tuần trước, trong khi khối lượng mở (OI) vẫn tiếp tục tăng lên mức 58.016 hợp đồng. Điều này phản ánh sự dịch chuyển từ giao dịch ngắn hạn sang chiến lược nắm giữ trung hạn.

Diễn biến thị trường thời gian qua
VN-Index duy trì tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1.350 điểm
Chứng khoán SHS
Thị trường có tuần giao dịch nhiều biến động với điểm nhấn là khối lượng giao dịch đột biến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên HOSE trong ngày 03/07/2025. Dòng tiền ngắn hạn tiếp tục luân chuyển từ nhóm chịu áp thuế cao sang nhóm ít chịu ảnh hưởng thuế quan, các nhóm chưa phục hồi nhiều.
Xu hướng ngắn hạn, VN-INDEX duy trì tăng trưởng trên vùng hỗ trợ 1.350 điểm. Chỉ số VN-INDEX, VN30 ở trạng thái quá mua ngắn hạn. VN-INDEX, VN30 đang chịu áp lực điều chỉnh ở vùng giá 1.400 điểm, 1.500 điểm như chúng tôi đã đề cập. Đây là các vùng kháng cự mạnh, vùng đỉnh lịch sử năm 2021, 2022.
Sau thời gian tạm hoãn áp thuế 90 ngày, Tổng thống Trump đã công bố đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Trong đó, công bố thuế suất Mỹ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là 20%, và 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Mức thuế 40% với hàng hóa trung chuyển sẽ là áp lực rất lớn đối với Việt Nam, bởi: (1) Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu cao nhất thế giới; (2) Chuỗi cung ứng hiện nay rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt sử dụng linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc.
Áp lực lên cán cân thương mại, xuất nhập khẩu sẽ rất lớn. Do đó, để vượt lên áp lực, theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025, cần nâng cao năng lực, phát triển kinh tế tư nhân, giảm phụ thuộc vào hàng xuất xứ bên ngoài. Danh mục đầu tư cần xem xét cơ cấu, gia tăng vào các nhóm ngành, công ty ít chịu ảnh hưởng thuế quan, phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân.
Nhà đầu tư duy trì tỶ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
Thị trường có thể tiếp tục tiến về 1,400 trong sự rung lắc
Chứng khoán BIDV
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục tiến về 1,400 trong sự rung lắc. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.
Thị trường phái sinh tích lũy đà tăng, chuẩn bị kiểm định vùng đỉnh
Chứng khoán MBS
Một tuần giao dịch giằng co đi ngang của phái sinh với mức biến động trong tuần chỉ 25 điểm, chốt tuần phái sinh tăng nhẹ 0,8% tương đương 12,2 điểm lên 1.472,2 điểm. Trong tuần nhà đầu tư nước ngoài LONG ròng mạnh gần 16 nghìn hợp đồng. Thanh khoản giao dịch giảm nhẹ 15% do nhiều phiên biến động hẹp.
Xu thế tăng điểm có thể vẫn tiếp diễn khi dòng tiền nhập cuộc mạnh, kèm với đó là những nhịp rung lắc mạnh sẽ liên tục xuất hiện khi phái sinh đang tiệm cận vùng cản mạnh 1.480 – 1.500 điểm. Chiến lược giao dịch đề xuất: Chiến lược Long: Cân nhắc mở vị thế quanh vùng 1.465 – 1.470 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số giảm xuống dưới 1.462 điểm. Chiến lược Short: Canh mở vị thế quanh vùng 1.475 – 1.480 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số vượt 1.483 điểm.
VN-Index hướng lên vùng 1.390 – 1.420 điểm
Chứng khoán SSI
Trên đồ thị tuần, VN-Index đã có 3 tuần tăng điểm liên tiếp với sự đồng thuận từ các chỉ báo kỹ thuật. Diễn biến trên đang tạo động lực cho chỉ số hướng lên vùng 1.390 – 1.420. Ngược lại, vùng hỗ trợ gần 1.365 – 1.375 dự kiến sẽ giúp chỉ số cân bằng trong các nhịp điều chỉnh ngắn.
Dòng tiền lan tỏa, thị trường tạo nền cho nhịp tăng mới
Chứng khoán Phú Hưng
VN-Index đóng cửa với nến Hammer, vẫn giữ được trên ngưỡng 1370 điểm nên chưa xác nhận cho nến Doji giảm ở phiên trước. Vận động vẫn mang tính chất củng cố trên vùng cao. Chỉ báo RSI dao động trên mức quá mua 70 cho thấy động lượng có thể chững lại và cần tái tạo đà.
Trạng thái có lẽ sẽ tiếp tục giằng co trong biên hẹp để tích lũy thêm, với mục tiêu bứt phá cản 1400, khi đó có thể mở ra khung dao động hướng tới ngưỡng 1450 điểm. Độ rộng và mức lan tỏa của dòng tiền đã cải thiện, đặc biệt ở nhóm Mid-cap sẽ mở ra các cơ hội giao dịch tốt hơn. Hỗ trợ duy trì xu hướng được nâng lên ngưỡng 1350 điểm.
Đối với HNX-Index, chỉ số kết phiên trong sắc xanh phủ định đà giảm từ phiên trước, hàm ý động lượng tăng vẫn được duy trì. Dù vậy, thanh khoản chưa quá mạnh cho thấy quá trình đi lên vẫn sẽ kèm rung lắc, với mục tiêu hướng tới mốc 240.
Chiến lược chung: Tăng tỷ trọng, có thể tận dụng tín hiệu điều chỉnh, rung lắc trong các phiên tới. Các nhóm ưu tiên chú ý là Ngân hàng, Công nghệ, Bất động sản, Bán lẻ, Chứng khoán.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.