Tạo nền tảng chiến lược để phát triển 'siêu đô thị' TP.HCM
Việc tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với diện mạo không gian và địa giới mới.

TP.HCM mới cần có tầm nhìn về quy hoạch và xác định động lực tăng trưởng. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Việc hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà còn đặt nền tảng cho chiến lược tái cấu trúc đô thị, tạo động lực thúc đẩy làn sóng dịch chuyển dân cư ra khỏi khu vực nội đô đang quá tải.
TP.HCM hướng tới xây dựng một "siêu đô thị" đa trung tâm với hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Bước ngoặt phát triển
Từ thời điểm 1.7.2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của TP.HCM. Việc tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một TP.HCM với diện mạo không gian và địa giới mới.
Theo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, TP.HCM mới cần có tầm nhìn về quy hoạch và xác định động lực tăng trưởng.
Thực tế, TP.HCM sau hợp nhất trở thành một "siêu đô thị" với cơ hội để cải thiện hạ tầng và phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là sự tích hợp và điều phối đồng bộ, đảm bảo hiệu quả vận hành trên toàn bộ vùng đô thị liên thông mới.
TP.HCM nhiều năm qua liên tục đối mặt với bài toán đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại các quận trung tâm. Mật độ dân cư cao, quỹ đất eo hẹp và hệ thống hạ tầng giao thông thường xuyên quá tải khiến nhu cầu mở rộng không gian đô thị trở nên cấp thiết.

Tàu metro qua ga Tân Cảng. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu là bước ngoặt chiến lược mở ra cục diện phát triển hoàn toàn mới, đòi hỏi phải tái tư duy về quy hoạch, tổ chức bộ máy và đặc biệt là tầm nhìn phát triển không còn bó hẹp trong từng tỉnh lẻ, mà cần được mở rộng ra quy mô vùng - một vùng đô thị lớn, hiện đại và năng động bậc nhất cả nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một đô thị lớn như vậy không thể phát triển theo kiểu "đơn tâm" truyền thống - dồn hết mọi tiện ích, dịch vụ, hạ tầng vào trung tâm, mà phải phát triển theo hướng "đa trung tâm."
Qua đó, ở mỗi khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc đều có các trung tâm đô thị vệ tinh, đảm bảo người dân ở đâu cũng có thể tiếp cận hạ tầng thiết yếu trong khoảng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe: trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm văn hóa thể thao...
Điều này giúp giảm tải áp lực giao thông vào trung tâm, hạn chế ô nhiễm và nâng cao chất lượng sống đồng đều cho cư dân toàn vùng. Đây là một thử thách lớn trong giai đoạn chuyển đổi nhưng nếu làm tốt, sẽ giúp thành phố phát triển bền vững hơn.

Cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn 1 và đường sắt Metro số 1 bắt qua sông Sài Gòn kết nối trung tâm TP.HCM với các đô thị vệ tinh phía Đông. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, để định hướng phát triển, điều tiên quyết là phải hiểu rõ thực trạng, biết mình đang ở đâu và thực trạng đó phải được đo lường, so sánh cụ thể qua nhiều chỉ số với các tỉnh, thành khác và cả nhiều đô thị quốc tế.
TP.HCM mới với quy mô lớn cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Thách thức lớn nhất là làm sao để tiềm năng không bị lãng phí, nguồn lực được huy động và phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Từ đó tạo ra sự phát triển bền vững và công bằng giữa các vùng, các khu vực.
Chiến lược bền vững
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh làm nền tảng, giúp cho quản lý đô thị và quản lý hợp tác vùng hiệu quả, thông suốt.
Thực tế, TP.HCM và các tỉnh thành cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng hiệu quả vẫn còn kém so với nhu cầu phát triển và còn khoảng cách rất xa so với mức độ hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh tại các đô thị tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế để toàn xã hội cùng tham gia trong các công trình, dự án trọng điểm. Ví như, để phát triển TOD (Transit Oriented Development - phát triển theo định hướng giao thông công cộng), các sở, ngành của vùng đô thị sẽ lo quy hoạch TOD, nhà đầu tư tư nhân lo xây dựng các công trình TOD, doanh nghiệp tham gia khai thác, vận hành, người dân hỗ trợ thông qua việc ủng hộ - sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn để Nhà nước đỡ phải bù lỗ...
Cân bằng hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, phải hạn chế việc lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp xâm hại lợi ích cộng đồng.
Đồng thời, TP.HCM sau hợp nhất phát triển phải có định hướng, quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách khả thi. Theo đó, khi lập quy hoạch đã phải tính ngay đến nguồn vốn đầu tư, tiến trình thực hiện, các phương án khai thác... chuẩn bị tốt việc ứng phó với khó khăn, vướng mắc, làm chậm tiến độ, đội vốn...

Cầu Ba Son kết nối trung tâm TP.HCM với khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Theo các chuyên gia, việc cần thiết cho phát triển là tăng cường tính kết nối giữa các khu vực phát triển đô thị của TP.HCM mới dựa trên nền tảng hạ tầng giao thông đồng bộ, tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Trong đó, chủ đạo là mạng lưới đường sắt với những loại hình phù hợp cho từng khu vực đô thị như hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao (MRT), hệ thống đường sắt đô thị.
Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh muốn trở thành đô thị toàn cầu thì dịch vụ là khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, từ đó thu hút nhà đầu tư quốc tế, tạo ra GRDP cao hơn.
Xuất phát từ tiềm năng của ba địa phương (trước hợp nhất) thì xu hướng là số hóa, xanh hóa và hướng biển. Do vậy, phải đưa vấn đề này vào chiến lược hành động của TP.HCM mới.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, phải phát triển song hành với công tác bảo tồn di sản đô thị, là điều đặc biệt quan trọng để giữ gìn giá trị bản sắc lịch sử trên 300 năm của TP.HCM.
Phát triển đô thị phải đặt trong tương quan hợp tác và hội nhập quốc tế, không chỉ tận dụng được các bài học kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quy hoạch-kiến trúc, mà cả về hiệu quả huy động nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài...