Dòng tiền thận trọng, VN-Index lình xình trên ngưỡng 1.240 điểm

Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường khiến chỉ số VN-Index không thể tiếp tục phát huy được đà tăng khá tốt trước đó, mà chỉ diễn biến lình xình trên ngưỡng 1.240 điểm, thanh khoản cũng giảm mạnh.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 14/5, VN-Index bật tăng từ sớm và đã có thời điểm vượt qua ngưỡng cản 1.250 điểm khi sắc xanh phủ rộng trên bảng điện tử. Nhóm VN30 cũng đồng loạt tăng điểm, trong đó VIC là cổ phiếu tăng mạnh nhất khi có thời điểm đã áp sát mức giá trần và là cổ phiếu nâng đỡ chính cho thị trường, sau thông tin công ty thành viên VinFast chính thức nhận đặt cọc mẫu xe điện mini VF3.

Tuy nhiên, đà hưng phấn không duy trì lâu, sự thận trọng nhanh chóng gia tăng sau đó khiến VN-Index hạ dần độ cao, sắc xanh của VIC cũng nhạt dần, thanh khoản gần như mất hút.

Diễn biến này tiếp tục được duy trì trong phiên chiều. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường khiến chỉ số VN-Index chỉ diễn biến lình xình trên ngưỡng 1.240 điểm mà không thể bật lên, thanh khoản cũng giảm mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 226 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 3,1 điểm (+0,25%) lên 1.243,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 640,49 triệu đơn vị, giá trị 15.613,40 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 111,36 triệu đơn vị, giá trị gần 2.482 tỷ đồng.

Trong phiên chiều, cổ phiếu VIC tiếp tục hạ nhiệt, chỉ còn tăng 2,3% lên 46.050 đồng, khớp lệnh hơn 5,26 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bluechip khác vẫn giữ được đà tăng như BCM, MWG, VPB, MBB, VIB, GVR, VNM… để giúp VN-Index ổn định sắc xanh.

Trong đó, VPB có thanh khoản cao nhất rổ VN30 và dẫn đầu toàn sàn với gần 29,93 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,6% lên 19.100 đồng.

BCM và MWG tăng tốt nhất rổ khi đều tăng trên 3%, nhưng MWG có thanh khoản vượt trội với 16,22 triệu đơn vị khớp lệnh và được khối ngoại mua vào mạnh nhất với hơn 5,1 triệu đơn vị.

MBB cũng nằm trong nhóm cổ phiếu khớp lệnh cao nhất thị trường với 16,66 triệu đơn vị, kết phiên tăng 0,88% lên 22.850 đồng.

Trong khi đó, các mã HPG, STB, CTG, VRE, TPB… đứng giá tham chiếu, còn các mã SHB, TCB, SSI, MSN… giảm điểm nhưng mức giảm không mạnh. Mã SHB khớp lệnh 16,88 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE. HPG khớp lệnh thứ 5 với 15,66 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động chững lại đáng kể, sắc xanh nhạt được duy trì ở các mã NVL, TCH, DXG, KBC, APH, NKG…, thanh khoản cũng không cao từ 3,5-9,8 triệu đơn vị.

Một số mã vẫn truy trì được sắc tím như CMG (+6,85% lên 62.000 đồng, khớp lệnh 1,47 triệu đơn vị), DCL (+6,96% lên 29.950 đồng, khớp lệnh 0,87 triệu đơn vị)…

Ngược lại, sắc đỏ phủ rộng hơn ở nhiều mã như DIG, VIX, DBC, HAG, HQC, VND, HSG, HHV, PDR… Trong đó, DIG khớp lệnh hơn 11 triệu đơn vị, giảm 0,5% về 28.350 đồng, VIX khớp lệnh gần 10 triệu đơn vị, giảm 0,3% về 17.500 đồng, các mã khác khớp lệnh từ 3-7,5 triệu đơn vị.

Mã VNS tiếp tục nằm sàn -6,8% xuống 13.100 đồng, khớp 2,74 triệu đơn vị, chỉ một ngày trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chịu sự rung lắc khá mạnh, có những thời điểm đã lùi qua tham chiếu, nhưng kết phiên vẫn giữ được sắc xanh nhờ thanh khoản ổn định.

Đóng cửa, sàn HNX có 89 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 0,59 điểm (+0,25%) lên 236,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.562 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên trước đó (1.559 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 13,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.127 tỷ đồng.

SHS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất trong rổ HNX30 cũng như toàn sàn này với 18,77 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,05% lên 19.200 đồng, trong khi phần lớn còn lại kém tích cực. Các mã PVS, CEO, MBS, TNG, BVS, PVC, TDN, VCS… đồng loạt giảm điểm, trong đó chỉ PVS, CEO, MBS, TNG, BVS khớp lệnh từ 1-3,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh với IDJ, APS, DL1, DDG, DVG, SD9, API… đồng loạt tăng kịch trần, với IDJ và APS khớp lệnh thuộc nhóm cao nhất sàn khi có 7,96 triệu và 3,64 triệu đơn vị, các mã DL1, DDG, DVG khớp từ 1,2-,23 triệu đơn vị.

Cổ phiếu dược là DHT cũng tăng trần trong phiên này lên 35.700 đồng (+9,85%), khớp lệnh 0,478 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà lao dốc trong phiên sáng khiến chỉ số UPCoM-Index chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên chiều, trước khi may mắn hồi trở lại khi kết phiên.

Đóng cửa, với 148 mã tăng và 120 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,15%) lên 91,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,83 triệu đơn vị, giá trị 570,27 tỷ đồng, giảm tăng 21% về khối lượng và giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua (574,48 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 6,3 triệu đơn vị, giá trị gần 74 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH tiếp tục là tâm điểm khi hút mạnh dòng tiền, khớp lệnh bỏ xa phần còn lại với hơn 9,6 triệu đơn vị, tăng kịch trần 14,81% lên 6.200 đồng.

Trong khi đó, BSR và DDV cùng khớp 3,3 triệu đơn vị, tăng lần lượt 0,5% lên 19.000 đồng và 3,3% lên 18.700 đồng.

VGT là mã giảm duy nhất giảm điểm trong 8 mã có thanh khoản cao nhất, giảm 0,66% về 15.100 đồng và khớp 2,47 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, trong đó mã VN30F2405 tăng 8,4 điểm (+0,66%) lên 1.274,4 điểm, khớp lệnh 218.730 đơn vị, khối lượng mở 40.858 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, trong đó mã CSTB2325 khớp lệnh nhiều nhất với hơn 5,75 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,25% xuống 450 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2333 khớp 3,83 triệu đơn vị, giảm 3,61% xuống 800 đồng/cq.

Trí Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-than-trong-vn-index-linh-xinh-tren-nguong-1240-diem-post345205.html