Đồng tiền Việt Nam - Hành trình nắng ấm
'Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam', đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới khi đánh giá về tình hình kinh tế nước ta trong năm vừa qua. Năm 2019, trong lúc nhiều đồng tiền trên thế giới bị mất giá nghiêm trọng thì đồng tiền Việt Nam vẫn ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Từ thuở ban đầu của chính quyền non trẻ
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc bấy giờ, chính quyền non trẻ của Việt Nam đã phải ứng phó với nhiều thách thức lớn: Vừa giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống nhân dân, củng cố và tăng cường thực lực của chính quyền cách mạng, vừa phải chống lại hành động chống phá của thực dân Pháp và các thế lực phản động. Tình hình tài chính-tiền tệ của chính quyền cách mạng gặp vô vàn khó khăn: Kho bạc chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó một nửa là tiền rách. Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản thực dân và luôn tìm cách phá hoại ta về tài chính, tiền tệ; các nguồn thu ngân sách quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của chính quyền… Trước tình hình đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân quyên góp tài chính dưới các hình thức như “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, đồng thời gấp rút chuẩn bị phát hành tiền. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia (tiền thân của Ngân hàng Nhà nước) trong thời kỳ này và các giai đoạn sau đã góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước; phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa; tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phục vụ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến năm 2008, trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2011, 2012. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, điều hành chính sách của NHNN Việt Nam có những đổi mới căn bản, thể hiện rõ tính chủ động, dẫn dắt thị trường và đạt được kết quả tích cực: Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất liên tục giảm cùng với các chính sách, giải pháp tín dụng tích cực của ngành ngân hàng góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, thị trường ngoại hối và thị trường vàng được quản lý chặt chẽ và ổn định, tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” trong nền kinh tế bị đẩy lùi.
Vững vàng vượt sóng lớn toàn cầu
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành ngân hàng đã cung cấp 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Áp lực một lượng lớn thanh khoản như vậy đưa ra nền kinh tế nhưng đã được NHNN Việt Nam điều tiết rất chủ động công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát. Kết quả, lạm phát cơ bản từ đầu nhiệm kỳ đến nay biến động chỉ trong biên độ từ 1,4% đến 2%, giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa để Chính phủ và các bộ, ngành điều hành. Đó là điểm thành công lớn nhất và xuyên suốt, có yếu tố then chốt của NHNN Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính-tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN Việt Nam đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu giảm, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với năm 2011.
Nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế, trong đó tỷ trọng vốn cho vay trung và dài hạn, vốn đầu tư cho nền kinh tế rất nhiều, áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao. Tuy nhiên, trong các thời điểm, kể cả áp lực lãi suất quốc tế cũng như trong nước, NHNN Việt Nam kịp thời điều hành các công cụ thị trường để kiểm soát được ổn định mặt bằng lãi suất và khi điều kiện thị trường cho phép đã giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, NHNN Việt Nam đã giữ được ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và hiện nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%. Ngành ngân hàng cũng chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành của ngân hàng Trung ương vào thời điểm phù hợp với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, NHNN Việt Nam đã rất linh hoạt và chủ động, đặc biệt kiên định trong điều hành tỷ giá, điều này không có nghĩa là cố định tỷ giá, nhưng NHNN Việt Nam đã điều hành ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của ngân hàng Trung ương và quan trọng nhất, qua đó tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỷ lục từ trước đến nay ở mức 79,9 tỷ USD. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đây là một "tấm đệm" cho đất nước để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, phòng ngừa những tác động từ bên ngoài, đồng thời là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN Việt Nam để ổn định được nền tảng vĩ mô, trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-tien-viet-nam-hanh-trinh-nang-am-609070