Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km là ngôi làng Sình hơn 500 năm tuổi với dòng tranh cùng tên. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tranh làng Sình từng thất truyền nhưng rồi từng bước được khôi phục với công đầu thuộc về nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.
Chủ đề tranh làng Sình có thể chia thành ba nhóm chính như nhân vật, súc vật và đồ vật, phục vụ cho nhu cầu thờ cúng của người dân. Hiện nay tranh có thêm các nội dung khác như tranh bát âm, các sinh hoạt làng Sình như kéo co, đấu vật, bịt mắt bắt dê… để thu hút du khách.
Tranh dân gian được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên. Màu tranh sáng, bền là do sử dụng giấy dó được quét hồ điệp. Tranh có sáu màu chủ đạo được làm từ nguyên liệu tự nhiên như đen (cây chàm), đỏ (rễ cây vang), vàng (lá đung, hoa hòe), cam (gạch non), tím (hạt mồng), xanh (hoa dành dành). Trong hình là bức tranh Huyền Trân Công chúa, giữ vai trò tâm linh quan trọng trong đời sống người dân Huế.
Những bức tranh được hình thành từ mộc bản gỗ mít. Khắc mộc bản đòi hỏi sự chú tâm, cẩn thận của người làm. Ông Kỳ Hữu Phước là người duy nhất ở làng Sình còn thực hiện được công việc này.
Ông là truyền nhân đời thứ chín, đã dành cả cuộc đời mình cho tranh in mộc bản. Ông Phước cũng đã tìm ra người kế thừa mình tiếp tục công việc này, tạm xóa đi nỗi lo nguy cơ thất truyền dòng tranh dân 500 năm tuổi.
Sau khi chạm trổ, bức tranh cần trải qua bảy công đoạn từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và cuối cùng là điểm nhãn. Trong hình là vợ ông, bà Gái đang làm công đoạn in tranh trên mộc bản.
Các bức tranh khi đưa đến người mua sẽ được gói ghém cẩn thận. Bức nhỏ gói trong giấy báo, bức lớn sẽ được đựng trong ống tre.
Du khách có thể được tự mình in tranh trên mộc bản. Phương Vy (19 tuổi), cho biết, “sau khi nghe và tìm hiểu, mình thích ý nghĩa bức tranh mang lại, nên muốn thử làm và dành tặng gia đình”.
Những tháng cận Tết, Huế thường có mưa tầm tã nên việc phơi tranh khó khăn hơn. Bà Gái hy vọng những tuần tới sẽ nắng ấm để việc mua bán được thuận lợi.