Tạo 'sân chơi' thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Dự và phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2025 diễn ra ngày 22/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là một hoạt động có ý nghĩa nhằm kết nối, khơi thông nguồn vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - xu hướng chung của thế giới, cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước và theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo, với những đột phá mạnh mẽ trong AI tạo sinh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược đối với mỗi quốc gia. Một xu hướng khác cũng đang lan rộng là làn sóng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Công nghệ tài chính, với các giải pháp thanh toán số, blockchain và cho vay trực tuyến đang định hình lại hệ sinh thái tài chính toàn cầu, mở ra cơ hội tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những xu hướng toàn cầu về công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo Phó Thủ tướng, cũng cần nhìn nhận sâu sắc về vai trò của các Quỹ Đổi mới sáng tạo và các nguồn vốn tư nhân trong việc thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển đã chủ động thành lập các quỹ đầu tư chuyên biệt cho đổi mới sáng tạo, như châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Những quỹ này không chỉ cung cấp nguồn vốn mồi quan trọng cho các dự án công nghệ cao, mà còn đóng vai trò "kích hoạt" sự tham gia của khu vực tư nhân, góp phần làm gia tăng mạnh mẽ quy mô và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn từ khu vực tư nhân đang giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy các ý tưởng đột phá, mô hình kinh doanh mới và phát triển sản phẩm công nghệ tiên phong.
"Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng của nền kinh tế trong thập kỷ tới. Theo đó, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị không chỉ là định hướng, mà là ‘Nghị quyết hành động’, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế công nghệ cao", Phó Thủ tướng nói.
Thông tin Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tạo đòn bẩy mạnh mẽ, giúp Việt Nam gia tăng thị phần sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, với sự đồng hành của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, Meta, Google… đã chọn Việt Nam là trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm công nghiệp mới.
Song song với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế để giải phóng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn, tiến tới xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế, triển khai Chiến lược, Chương trình phát triển bán dẫn, AI, Blockchain và thúc đẩy ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, startup và nhà đầu tư mạo hiểm.
Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo và nghiên cứu phát triển.
Nhắc đến những tiềm năng và cơ hội của thị trường Việt Nam, những cam kết mạnh mẽ của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và đối tác quốc tế qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để biến những cam kết, biên bản ghi nhớ thành quyết định đầu tư, hợp đồng hợp tác; biến những tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Phó Thủ tướng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp tục có các khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho các ngành công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Thông qua các diễn đàn kết nối như Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp cần tiếp tục trao đổi cụ thể về định hướng đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế của mỗi bên và sớm thiết lập các cơ chế, hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo "sân chơi" thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
"Về phía Chính phủ, cam kết sẽ luôn sẵn sàng hành động, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo", Phó Thủ tướng khẳng định; bày tỏ mong muốn các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ lớn và tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, nơi mọi ý tưởng được nuôi dưỡng, mọi tài năng được phát huy, và mọi nguồn lực được tối ưu hóa.
Diễn đàn đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2025 là sự kiện nối tiếp diễn đàn hàng năm về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Viet Nam Venture Summit). Trải qua 4 kỳ tổ chức thành công, chuỗi Diễn đàn đã thu hút gần 10.000 đại biểu, hơn 120 diễn giả quốc tế và hàng trăm quỹ đầu tư, tổ chức tài chính hàng đầu thế giới. Không chỉ là một sự kiện mang tính kết nối, Diễn đàn đã góp phần định vị Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Sự kiện cũng khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính luôn đồng hành, đối thoại với các nhà đầu tư, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra các Tọa đàm "Chiến lược vươn ra thị trường quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động", "Thoái vốn toàn cầu & IPO - Định vị doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế", đối thoại với chủ đề "Khai phá tương lai công nghệ tài chính tại Việt Nam", các phiên thảo luận về Tiềm năng đổi mới sáng tạo tiếp theo của Việt Nam; Phát triển doanh nghiệp giai đoạn tăng trưởng và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường đầu tư và hợp tác khu vực.