Đồng USD suy giảm bất chấp dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ

Đồng USD đã giảm giá trong phiên giao dịch cuối ngày 4/7. Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm 0,22% xuống còn 96,965 điểm vào lúc 2 giờ sáng 5/7 theo giờ Việt Nam.

Đồng USD (đô la Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Đồng USD (đô la Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Đồng euro tăng nhẹ lên mức 1,1779 USD đổi 1 euro, so với mức 1,1769 USD/euro. Đồng bảng Anh giảm xuống còn 1,3653 USD/bảng, so với mức 1,3666 USD/bảng của phiên liền trước.

Đồng USD giảm giá so với đồng yen Nhật, được giao dịch ở mức 144,48 yen/USD, thấp hơn mức 144,71 yen/USD của phiên trước.

Tỷ giá USD/franc Thụy Sỹ giảm xuống 0,7935 franc Thụy Sỹ/USD so với mức 0,7943 franc Thụy Sỹ/USD. Ngược lại, đồng USD tăng giá so với đồng đôla Canada (CAD), lên mức 1,3604 CAD/USD, so với mức 1,3575 CAD/USD. Đồng USD cũng yếu đi so với đồng krona Thụy Điển, giảm xuống 9,5581 krona/USD, từ mức 9,5720 krona/USD.

Ngày 3/7, báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy một kết quả tốt hơn dự báo, với 147.000 việc làm được tạo ra trong tháng 6/2025, cao hơn con số dự kiến là 111.000 việc làm. Đây là một sự phục hồi đáng kể của thị trường lao động, phá vỡ xu hướng giảm ghi nhận được trong các tháng trước đó. Con số này cũng cao hơn mức điều chỉnh 144.000 việc làm trong tháng 5/2025.

Mức tăng trưởng việc làm bất ngờ này đã hỗ trợ đồng USD trong phiên giao dịch ngày 3/7, mặc dù kỳ nghỉ lễ đã hạn chế đà tăng trong ngắn hạn. Một thị trường lao động mạnh mẽ hơn cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể không suy yếu như dự đoán, và chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục vững chắc. Tuy nhiên, diễn biến này có thể gây lo ngại cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vì hoạt động kinh tế gia tăng có thể dẫn đến lạm phát dai dẳng hơn, tiềm ẩn khả năng buộc Fed phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy xác suất Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,5% trong cuộc họp ngày 30/7 tới là 95,3%, con số này đã tăng lên ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố.

Nếu Fed diễn giải sự phục hồi của thị trường lao động này là một rủi ro lạm phát và truyền đạt thông điệp này trong các phát biểu sắp tới, dự báo của thị trường về việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể gia tăng. Điều này sẽ tạo một cú hích tạm thời cho đồng USD, vốn là một trong những đồng tiền có hiệu suất kém nhất gần đây. Trong kịch bản đó, đồng euro có thể mất giá, tạo ra áp lực bán ngắn hạn đối với cặp euro/USD.

Theo các nhà kinh tế, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo gần như đã tan biến, sau khi báo cáo việc làm tháng 6/2025 cho thấy sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ và xua tan những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính RSM, khẳng định Fed sẽ không thực hiện đợt cắt giảm lãi suất nào trong tháng Bảy.

Trong khi đó, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới đầu tư Interactive Brokers, ông Steve Sosnick cũng đồng ý rằng khả năng Fed cắt giảm lãi suất đang "bốc hơi" sau báo cáo mới nhất về thị trường việc làm Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần viện dẫn sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ để giải thích cho cách tiếp cận thận trọng đối với việc cắt giảm lãi suất. Ông cho rằng sức mạnh của kinh tế Mỹ cho phép Fed có thêm thời gian để đánh giá liệu các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có đẩy lạm phát lên cao trong mùa Hè hay không.

Theo chuyên gia Brusuelas của RSM, báo cáo việc làm này hoàn toàn khớp với những gì ông Jerome Powell đã nói - đó là nền kinh tế Mỹ hiện không gặp khó khăn.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện đang có quan điểm trái ngược so với Fed. Trong cuộc họp đầu tháng 6/2025, ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống còn 2% và phát tín hiệu về khả năng có thêm các đợt cắt giảm lãi suất, do lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn nằm trong mục tiêu 2% của ECB. Thị trường hiện đang đoán định 74% khả năng sẽ có một đợt cắt giảm nữa tại cuộc họp ngày 23/7, đưa lãi suất xuống còn 1,75%.

Ông Francois Villeroy de Galhau, thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, cảnh báo rằng cơ quan này đang đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về việc không đạt được mục tiêu lạm phát do tỷ giá hối đoái tăng mạnh.

Phát biểu bên lề một hội nghị tại Aix-en-Provence, ông Francois Villeroy de Galhau, người cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không thể áp dụng cách tiếp cận "bỏ mặc" sau khi đồng euro đã tăng giá đáng kể từ đầu năm đến nay.

Ông Villeroy trích dẫn các ước tính cho thấy, việc đồng euro tăng giá 10% một cách bền vững sẽ làm giảm lạm phát 0,2 điểm phần trăm mỗi năm trong ba năm liên tiếp. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lạm phát thấp hơn mục tiêu và đây là một rủi ro ECB phải tính đến.

Từ tháng 1/2025, đồng euro đã tăng giá khoảng 14%, gây ra lo ngại cho nhiều quan chức ECB sau khi lạm phát khu vực chạm mục tiêu 2% trong tháng 6/2025.

Cuối tháng 6/2025, ECB đã đưa ra cảnh báo về những "thách thức mới", từ căng thẳng thương mại đến trí tuệ nhân tạo (AI), có thể khiến lạm phát biến động hơn. Đồng thời, ECB cam kết sẽ duy trì sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ.

Cảnh báo này được đưa ra trong khuôn khổ đợt đánh giá chiến lược lớn đầu tiên của ECB kể từ năm 2021, sau nhiều năm đầy biến động khi ngân hàng này phải vật lộn với đợt tăng giá tiêu dùng lịch sử.

Cần lưu ý rằng mức tăng gần đây của đồng euro chủ yếu đến từ sự suy yếu của đồng USD, thay vì các yếu tố cơ bản vững chắc từ khu vực Eurozone. Tuy nhiên, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ vẫn rất lớn khi Mỹ giữ lãi suất ở mức 4,5% với quan điểm trung lập, trong khi châu Âu có lãi suất thấp hơn 2% và xu hướng cắt giảm lãi suẩt. Nếu sự chênh lệch này tiếp diễn, nó có thể trở thành chất xúc tác chính cho các biến động trong tương lai của cả hai đồng tiền này.

Minh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/dong-usd-suy-giam-bat-chap-du-lieu-viec-lam-kha-quan-cua-my-20250705115710474.htm