Đồng USD xuống đáy 3,5 năm, chủ tịch Fed đau đầu trước áp lực từ ông Trump

Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ khả năng giảm lãi suất trong tháng 7, một tín hiệu mới trước áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump dù ông vẫn khẳng định Fed độc lập với chính trị.

Jerome Powell để ngỏ khả năng hạ lãi suất ngay trong tháng 7

Tại Diễn đàn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB Forum) ở Sintra, Bồ Đào Nha, ngày 30/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp ngày 30/7 tới.

Ông Powell phát biểu: “Tôi thực sự không thể nói trước. Quyết định về lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế”. Ông nói thêm: “Chúng tôi không loại trừ, cũng không khẳng định bất kỳ cuộc họp nào” bàn về việc giảm lãi suất.

Phát biểu này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với lập trường thận trọng trước đây, khi ông từng ám chỉ Fed có thể đợi đến mùa thu, khoảng tháng 9, để xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tín hiệu mới của ông Powell được đưa ra trong bối cảnh đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi. Chỉ số đồng USD (DXY) vào tối 1/7 (giờ Việt Nam) giảm 0,35%, chạm mốc 96,5 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Sự suy yếu của đồng USD càng làm tăng kỳ vọng thị trường về một đợt cắt giảm lãi suất, khi công cụ FedWatch của CME vào ngày 2/7 ghi nhận xác suất Fed giảm lãi suất trong tháng 7 tăng lên 21,2%, so với 18,6% ngày 27/6 và 14,5% ngày 20/6.

Thị trường cũng đặt cược mạnh vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp ngày 17/9, với xác suất lên tới 91%. Trong đó, 72,3% kỳ vọng giảm 0,25 điểm phần trăm và 18,8% dự đoán giảm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất về mức 3,75-4%/năm.

Tín hiệu thị trường cho thấy khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp 30/7 đã tăng lên 21,2%, nhưng đa số đặt cược Fed giảm trong tháng 9. Nguồn: CME

Tín hiệu thị trường cho thấy khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp 30/7 đã tăng lên 21,2%, nhưng đa số đặt cược Fed giảm trong tháng 9. Nguồn: CME

Dù để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Powell vẫn nhấn mạnh tính độc lập của Fed trước các áp lực chính trị, đặc biệt từ Tổng thống Donald Trump, người liên tục kêu gọi giảm lãi suất mạnh tay.

Tại hội nghị ở Sintra, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã kêu gọi các đại biểu dành một tràng vỗ tay cho Powell, ca ngợi ông là “tiêu chuẩn của một nhà ngân hàng trung ương dũng cảm” vì giữ vững lập trường dựa trên dữ liệu kinh tế, bất chấp những chỉ trích gay gắt từ ông Trump.

Tình thế khó khăn của Jerome Powell và triển vọng kinh tế Mỹ

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang đứng trước một tình thế đầy thách thức. Áp lực từ Tổng thống Trump ngày càng gia tăng, từ những lời chỉ trích công khai gọi ông là “gã ngốc” đến việc gửi thư tay yêu cầu hạ lãi suất xuống mức 1% hoặc thấp hơn, kèm bảng so sánh lãi suất của các ngân hàng trung ương như Nhật Bản (0,5%) và Đan Mạch (1,75%).

Chính quyền ông Trump so sánh mức lãi suất của Mỹ đang cao hơn nhiều nước khác. Ảnh: CNN

Chính quyền ông Trump so sánh mức lãi suất của Mỹ đang cao hơn nhiều nước khác. Ảnh: CNN

Ông Donald Trump còn đẩy nhanh kế hoạch tìm người thay thế Powell khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5/2026, với các ứng viên tiềm năng như Kevin Warsh, Christopher Waller, Kevin Hassett, David Malpass và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Việc ông Trump có thể công bố người kế nhiệm sớm vào tháng 9 hoặc tháng 10 được xem là động thái nhằm làm suy yếu quyền lực của Powell ngay từ bây giờ.

Về kinh tế Mỹ, các chỉ số gần đây cho thấy tín hiệu lẫn lộn. Báo cáo việc làm tháng 6 dự kiến cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 116.000 việc làm phi nông nghiệp, giảm so với 139.000 việc làm trong tháng 5, với tỷ lệ thất nghiệp được dự báo tăng nhẹ từ 4,2% lên 4,3%. Dù thị trường lao động vẫn vững vàng, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhận định nó “không còn năng động như trước”.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - cho thấy áp lực giá cả tăng trong tháng 5, vẫn trên mục tiêu 2% hàng năm. Các mức thuế quan do ông Trump áp đặt từ tháng 4 đã khiến Fed tạm dừng kế hoạch cắt giảm lãi suất, do lo ngại lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lại cho rằng thuế quan của ông Trump khó gây lạm phát như Fed lo ngại và dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Quan điểm này được củng cố bởi dự báo từ Goldman Sachs, khi ngân hàng này cũng kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào mùa thu, với ba đợt cắt giảm trong năm 2025.

Tín hiệu hạ lãi suất và sự suy yếu của đồng USD có thể tạo ra những tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và toàn cầu. Một đồng USD yếu thường hỗ trợ giá hàng hóa, đặc biệt là vàng, tăng cao.

Giá vàng thế giới hiện dao động quanh mức 3.300-3.350 USD/ounce. Nếu Fed hạ lãi suất, giá vàng có thể vượt 3.400 USD/ounce, dù áp lực chốt lời vẫn hiện hữu trong bối cảnh Trung Đông dần ổn định.

Trên bình diện toàn cầu, việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ có thể kích thích các ngân hàng trung ương khác, như ECB hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, xem xét điều chỉnh lãi suất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát vẫn là mối lo, đặc biệt khi các chính sách bảo hộ của ông Trump có thể làm tăng giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.

Trong bối cảnh này, chính sách của Fed vẫn phải cân bằng giữa nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và bảo vệ thị trường lao động. Dù vậy, ông Powell khó tránh khỏi lúng túng khi phải đưa ra quyết định trong bối cảnh áp lực từ ông Trump và dữ liệu kinh tế không đồng nhất.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-usd-xuong-day-3-5-nam-chu-tich-fed-dau-dau-truoc-ap-luc-tu-ong-trump-2417384.html