Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, quản lý thị trường Đà Nẵng triệt phá ổ bán hàng giả
Giả dạng hướng dẫn viên du lịch tiếp cận các cửa hàng chỉ tiếp khách theo tour, quản lý thị trường Đà Nẵng đã phát hiện thủ đoạn mới
Tại Hội nghị chống hàng giả do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 7-7 tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng cảnh báo nhiều thủ đoạn tinh vi trong tiêu thụ hàng vi phạm, đặc biệt là núp bóng hoạt động du lịch để lách luật.
Tour du lịch biến thành 'vỏ bọc' cho hàng giả
Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng các cơ sở kinh doanh đóng cửa tầng một, nhưng vẫn hoạt động bí mật ở tầng hai, chỉ tiếp khách thông qua các tour du lịch "trá hình".

Trưng bày "hàng thật, hàng giả" tại hội nghị
"Lực lượng quản lý thị trường từng phải đóng giả làm người dẫn tour để thâm nhập một địa điểm nghi vấn. Khi lên tầng hai, chúng tôi phát hiện cửa hàng đang bày bán sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ cho khách đoàn quốc tế. Sau đó, đã lập biên bản và đề xuất xử phạt" - ông Sơn cho biết.
Đáng chú ý, các hành vi vi phạm không còn diễn ra công khai như trước do tác động từ các đợt kiểm tra quyết liệt của thành phố trong tháng cao điểm. Tuy nhiên, các đối tượng đã chuyển hướng sang hình thức "ẩn mình" dưới các hoạt động du lịch, dịch vụ để qua mặt cơ quan chức năng.
Hàng giả gắn tem chống giả
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam ngày càng nhức nhối.
Không chỉ các sản phẩm xa xỉ như thời trang, đồng hồ, mỹ phẩm bị làm giả, mà nhiều ngành hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá, rượu bia, linh kiện điện tử hay vật tư nông nghiệp cũng bị làm giả trắng trợn.
Đáng lo ngại, hàng giả ngày nay còn được "ngụy trang" tinh vi bằng tem chống giả, bao bì sang trọng và nhãn mác bắt mắt, khiến cả người tiêu dùng lẫn lực lượng chức năng dễ bị qua mặt.

Nhiều cửa hàng đóng cửa tại phố du lịch gần chợ Hàn - Đà Nẵng trong đợt truy quét hàng giả
"Hàng giả không chỉ tồn tại ở các thành phố lớn mà đã lan sâu về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chúng còn xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử, qua các chương trình khuyến mãi, đa cấp, hội chợ, thậm chí bán trực tiếp cho khách du lịch" - ông Trung cảnh báo.
Theo ông Trung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có việc các đối tượng thu lợi lớn nên bất chấp đạo đức và pháp luật, hoạt động thương mại điện tử chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu cơ chế định danh tài khoản mạng xã hội gây khó khăn trong kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thiếu kiến thức phân biệt hàng thật – hàng giả và vẫn còn tâm lý ngại tố giác khi phát hiện hành vi sai phạm.
Thống kê trong tháng cao điểm từ ngày 15-5 đến 15-6 cho thấy lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra và xử lý hơn 10.400 vụ việc. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 1.278 tỉ đồng. Đặc biệt, đã khởi tố hình sự 204 vụ với 382 đối tượng bị xử lý.
Là thành phố du lịch lớn, Đà Nẵng xác định việc kiểm soát hàng giả và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ then chốt. Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng cho biết, sau các đợt ra quân mạnh mẽ, đến nay không còn tình trạng bày bán công khai hàng hóa vi phạm tại các cửa hàng. Tuy nhiên, tình trạng trá hình dưới dạng tour du lịch và bán hàng ở tầng kín vẫn diễn biến âm thầm.