Đồng Văn phát huy tiềm năng, lợi thế
Với quan điểm biến khó khăn thành cơ hội phát triển, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã ban hành các đề án, phương án, nghị quyết chuyên đề nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế; giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển nền nông nghiệp sạch, ưu tiên việc đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc duy trì, mở rộng diện tích ngô, lúa theo hướng thâm canh; thực hiện các mô hình trình diễn, tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc cho người dân. Huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04, ngày 8.4.2016 về phát triển chăn nuôi; với phương châm phát triển chăn nuôi toàn diện, tạo khâu đột phá. Trong đó chú trọng phát triển các loại con giống bản địa có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện để triển khai thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh về hỗ trợ vốn vay phát triển đàn bò, ong. Huyện đã thẩm định, phê duyệt cho 869 hộ dân, HTX vay vốn, với kinh phí gần 70 tỷ đồng; qua đó, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 37,6%, tăng 49,21% so với năm 2015. Triển khai quyết liệt công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và ủ chua thức ăn cho đàn gia súc; thực hiện hiệu quả chương trình trồng mới cây lê hàng hóa, xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc... Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực và giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Đối với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn cùng những nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán, các danh lam thắng cảnh, như: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn gắn với Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Gầu Tào,... đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Ngoài ra, huyện còn có cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, như: Làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu số,... qua đó đã thúc đẩy du lịch - dịch vụ phát triển toàn diện. Hiện, toàn huyện có 50 khách sạn, nhà nghỉ, 194 nhà khách và nhà lưu trú homestay với tổng số trên 1.100 phòng, trên 2.300 giường; 72 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Tổng lượng khách đến tham quan giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 1,7 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 150,3 tỷ đồng, tăng 141,64% so với năm 2015. Du lịch - dịch vụ phát triển mạnh đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Với lợi thế có 54,6 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc, có 9/19 xã, thị trấn biên giới, huyện đã chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy thương mại thông qua việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường từ thị trấn Phó Bảng - Mốc 379, xã Phố Là; xây dựng bãi tập kết hàng hóa, đỗ xe tại các lối mở; củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả 6/9 chợ tại các xã, thị trấn biên giới. KT - XH, đời sống người dân ngày một phát triển kéo theo sự giao thương, trao đổi hàng hóa trên địa bàn ngày một sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 530 tỷ đồng, vượt 110,32% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 175,32% so với năm 2015. Điều đáng nói, trong quá trình phát triển lĩnh vực thương mại, du lịch; huyện đã xây dựng được 32 sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương; thành lập, củng cố các làng nghề truyền thống, như: May mặc (xã Phó Bảng, Phố Cáo); thêu dệt (Lũng Cú, Sà Phìn); đan lát (Sính Lủng); Làng nghề làm khèn Mông (Hố Quáng Phìn), rèn đúc lưỡi cày (Tả Lủng), hương nhang sạch (Sảng Tủng), chạm khắc bạc (Sủng Là)… Bên cạnh đó, huyện đã làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đến đầu tư, làm ăn tại huyện. Trong nhiệm kỳ đã thu hút 16 dự án đầu tư tại huyện với số vốn trên 1.000 tỷ đồng; trong đó có dự án lớn, như: Hang Mây xã Tả Lủng, khu du lịch tâm linh xã Lũng Cú, khách sạn Hoa Cương, khu sinh thái Khánh Sơn, khu sinh thái Đồng Văn...
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, khẳng định: Qua thực tiễn phát huy các lợi thế, tiềm năng, đã rút ra những bài học, kinh nghiệm quý; trong đó có việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong chỉ đạo luôn bám sát vào chính sách, đường lối của T.Ư, tỉnh và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lựa chọn và thực hiện tốt những nhiệm vụ hướng về cơ sở, mang tính đột phá, trọng điểm để đầu tư phát triển. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng các dân tộc... Những điều này vẫn sẽ là kim chỉ nam hành động để huyện thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202009/dong-van-phat-huy-tiem-nang-loi-the-765220/