Đồng Văn phát triển cây lê theo Nghị quyết đại hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định cây lê là một trong 3 cây được đầu tư phát triển. Nhằm cụ thể hóa nghị quyết, huyện ban hành Đề án phát triển cây lê và đưa ra các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách, kế hoạch theo từng năm.
Theo Đề án, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đồng Văn tiến hành trồng mới 66,6 ha; thực hiện tại 8 xã, thị trấn gồm: Lũng Cú, Sảng Tủng, Sủng Là, Phố Cáo, Phố Là, Lũng Táo, thị trấn Phố Bảng và Đồng Văn. Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ người dân trồng mới 8 triệu đồng/ha; được hỗ trợ lãi suất trồng lê vay vốn tối đa 15 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm, lãi suất 0,65%/tháng thông qua Ngân hàng CSXH. Hỗ trợ người dân cải tạo cây lê già cỗi, kém chất lượng với mức hỗ trợ 10.000 đồng/cây, tối thiểu mỗi hộ được hỗ trợ 50 cây (tương đương 0,1 ha), không hạn chế diện tích. Tất cả các hộ có diện tích lê đã trồng, có nhu cầu trồng mới đều được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện chương trình được lồng ghép từ Chương trình 135, 30a và sự nghiệp nông nghiệp, khoa học.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Để triển khai, thực hiện chương trình trồng mới, cải tạo cây lê kém chất lượng, huyện Đồng Văn đã phân công cho các thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình “3 cây, 4 con”, BCĐ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện phụ trách các xã, thị trấn thường xuyên xuống địa bàn triển khai, cùng xác định điểm trồng, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Các thành viên BCĐ ở các xã, thị trấn phụ trách nhóm hộ, chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ở xã, thị trấn mình. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các thôn, xóm tiến hành rà soát, hướng dẫn người dân làm đơn xin chuyển đổi trồng, cải tạo lê kèm theo cam kết, đăng ký thực hiện; xác định rõ vùng trồng, đôn đốc người dân mua phân bón, làm đất, trồng và chăm sóc, đảm bảo triển khai theo đúng nội dung, tiến độ trồng, cải tạo cây lê theo đề án. Cùng đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trực tiếp ký hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng cung cấp đầy đủ cây giống, đảm bảo chất lượng khi cây sống với tỷ lệ cao. Xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lê cho người dân theo quy trình.
Với cách triển khai đồng bộ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, đơn vị chức năng, chương trình trồng mới, cải tạo cây lê đạt được kết quả ngoài mong đợi. Tính đến đầu năm 2020, huyện Đồng Văn đã trồng mới được 130 ha, tăng gấp đôi so với đề án đưa ra và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Ông Giàng Chử Lù, thôn Khu Phố 2, thị trấn Phố Bảng là hộ được hỗ trợ trồng mới và cải tạo vườn lê, cho biết: “Được nhà nước hỗ trợ trồng mới và cải tạo vườn lê từ năm 2016 đến nay, vườn lê như được hồi sinh, cây xanh tốt, không có sâu bệnh hại và cho ra nhiều quả; dự kiến vụ lê năm nay sẽ mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 40 - 50 triệu đồng”.
Đồng chí Lê Thị Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là, khẳng định: Trên địa bàn xã hiện đang có nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ phát triển cây lê, tiêu biểu, như: Hộ ông Sùng Sía Mua, thôn Mo Pải Phìn, trồng 0,3 ha; Vừ Mí Vàng, thôn Sáng Ngài trồng 1 ha; Vàng Mí Cơ, thôn Lao Sa trồng 0,2 ha; Nông Thị Thủy, thôn Đoàn Kết có trên 200 cây… Thực hiện chủ trương phát triển cây lê của huyện, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện những diện tích đất xấu trồng ngô chuyển sang trồng lê cho thu nhập cao hơn. Qua thời gian ngắn triển khai, thấy được lợi ích từ việc trồng lê mang lại, đến nay người dân đã tự giác thực hiện.
Thành công từ chương trình phát triển cây lê của huyện có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, đơn vị liên quan. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phân công rõ nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra để huyện Đồng Văn tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã ban hành, với quyết tâm từng bước đưa Đồng Văn thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC