Dòng vốn công nghệ bị hút vào AI, startup chuyển đổi số 'kiểu cũ' về đâu?
Tại chương trình đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech nói sau COVID - 19 thị trường vốn đã khác hoàn toàn khi bị hút hết vào ngành công nghệ AI.
Phan Huy Hùng, đồng sáng lập Ranus, tới chương trình "Thương vụ bạc tỷ" mùa 7 với dự án website bán sản phẩm cá nhân hóa. Ranus.vn là nền tảng cho phép khách hàng tự thiết kế và đặt mua các sản phẩm cá nhân hóa như áo thun, bình nước, túi tote.
Công ty đã xây dựng được khả năng sản xuất tự động và sẽ sản xuất và giao hàng trong ngày. Sau 4 năm phát triển công nghệ với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, Ranus bắt đầu kinh doanh từ tháng 6 năm nay và đạt doanh thu 200 triệu đồng. Hùng dự kiến doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 sẽ đạt 3 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Với số vốn kêu gọi đầu tư là 2 tỷ cho 2% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp pre-money là 98 tỷ, Shark Minh Beta thắc mắc bởi định giá này gấp cả trăm lần mức lợi nhuận. Ông Minh cho rằng mô hình gọi vốn dựa trên tương lai đã qua rồi, bây giờ là phải dựa vào doanh thu và lợi nhuận thực.
Đồng quan điểm, Shark Bình cho biết: “Sau COVID - 19 thị trường vốn đã khác hẳn hoàn toàn. Bây giờ toàn bộ ngành công nghệ vốn bị hút hết vào AI chứ có vào chuyển đổi số các mô hình kinh doanh cũ này đâu”.
Huy Hùng thừa nhận cách đây 20 – 25 năm trên thế giới đã có và rất nhiều người làm nhưng mà họ chỉ dừng lại ở việc nhận hình ảnh từ khách hàng và cách xử lý đơn hàng vẫn là thủ công. Mô hình đó giải quyết vấn đề B2B2C và đến nay vẫn tạo ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, định hướng phát triển của Ranus lại khác. “Em hướng tới platform này để bán B2C. Có nghĩa là người dùng phải trực tiếp người ta có thể tự thiết kế được và có thể mua được hàng. Em tạo ra tính năng đó để người dùng không biết gì về thiết kế họ vẫn có thể dễ dàng thiết kế”, Huy Hùng giải thích.
Thuyết phục các Shark rót vốn 2 tỷ đồng cho 2% cổ phần, Huy Hùng nêu ra các điểm khác biệt của Ranus so với đối thủ: Thứ nhất thư viện để người dùng thiết kế trên web là do startup tự thiết kế. Ranus có năng lực viết phần mềm và kết nối vào máy móc để sản xuất tự động hóa nên có thể nhân rộng không giới hạn. Thêm nữa là tốc độ giao hàng nhanh, khách hàng đặt buổi sáng là buổi chiều nhận được hàng.
Lộ trình của Ranus là năm 2025 xây dựng website để bán ở thị trường Mỹ. Startup dự kiến sản xuất tại Việt Nam và giao hàng sang Mỹ trong khoảng 5 ngày. Tuy nhiên Shark Bình đánh giá rằng mô hình này sẽ có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, còn ra nước ngoài thì startup thiếu đi thế mạnh bản địa hóa.
Ngoài ra, Ranus cũng gây tranh cái vì chiến lược giá. “Vì em định vị em là xưởng sản xuất. Em sẽ bán rẻ. Chiến lược của em là ở đâu rẻ nhất, bên em rẻ hơn 30%”, nhà sáng lập nói, đồng thời khẳng định mình không bán phá giá bởi Ranus vẫn có lợi nhuận.
Quan điểm này khiến các nhà đầu tư băn khoăn về khả năng sinh lời và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Shark Thái khuyên Ranus nên chọn một chiến lược rõ ràng: hoặc bán giá rẻ để tạo đột phá, hoặc bán giá cao để có ngân sách marketing. Shark Nga và Shark Hưng từ chối đầu tư do chưa thấy được lợi thế cạnh tranh rõ ràng của Ranus.
Dựa trên kết quả kinh doanh của startup, Shark Bình đề nghị đầu tư 6 tỷ cho 20% cổ phần, tương đương pre-money 24 tỷ, post-money 30 tỷ. Shark Minh cho biết chuỗi rạp chiếu phim Beta Cinemas có tập khách hàng trẻ, hợp với mô hình của Ranus nên hai bên có thể hợp tác với nhau. Chủ tịch Beta Group đề nghị đầu tư in-kind, nghĩa là đổi các giá trị như thuê mặt bằng miễn phí, sử dụng công cụ truyền thông của Beta Group với tổng giá trị là 6 tỷ đồng, đổi lấy 20% cổ phần.
Đàm phán với các Shark, Huy Hùng cho biết, định giá doanh nghiệp 24 tỷ pre-money là khá thấp so với kỳ vọng của startup. Anh cũng chia sẻ mục tiêu gọi vốn của Ranus trong vòng này là không quá 5%. Sau nhiều lượt thương lượng, Hùng quyết định chấp nhận đề xuất của Shark Minh Beta: 2 tỷ đồng giá trị hiện vật đổi lấy 5% cổ phần.