Dòng vốn lớn sẽ hoàn tất đổ bộ vào thị trường M&A trong giai đoạn 2024 - 2026

Đây là nhận định của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam về triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A thời gian tới.

Trên thị trường mua bán, sáp nhập, phân khúc nào đang được các “thợ săn” hướng đến nhiều?

Thời gian qua, thị trường tiếp tục chứng kiến các chủ đầu tư ngoại tham gia mạnh mẽ vào phân khúc bất động sản nhà ở, đơn cử với các thương vụ Gamuda mua lại 100% vốn của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực trị giá khoảng 316 triệu USD nhằm phát triển dự án Eaton Park tại TP.Thủ Đức, Tập đoàn Daewoo E&C đầu tư khu đô thị mới Kiến Giang quy mô hơn 96 ha tại tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng; Kim Oanh Group hợp tác ba tập đoàn là Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT Urban Development để phát triển dự án Một Thế Giới - The One World tại Bình Dương quy mô gần 50 ha tại Bình Dương.

Bà Trang Bùi

Bà Trang Bùi

Phân khúc bất động sản công nghiệp và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết các loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi. Kể từ năm 1986, Việt Nam có 335 ha đất phục vụ cho công nghiệp, nhưng đến năm 2024 con số này đã tăng lên 150.000 ha. Ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm phần lớn trong tổng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Một số khoản đầu tư nổi bật trong mảng bất động sản công nghiệp năm 2024 có thể kể đến như Johnson Health Tech đầu tư 100 triệu USD để thuê đất tại KCN Thuận Thành I, tỉnh Bắc Ninh; Tripod đầu tư xây dựng Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (KCN Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng số vốn đăng ký lên đến 250 triệu USD, Tập đoàn Quanta Computer Inc đăng ký vốn đầu tư 120 triệu USD vào KCN Mỹ Thuận (Nam Định).

Với câu chuyện chung trong năm tới, thị trường bất động sản sẽ đi ngang, khởi sắc hay trầm lắng?

Việc Chính phủ nhìn nhận một cách thẳng thắn những khó khăn và vai trò của thị trường bất động sản, từ đó có các chính sách giải quyết kịp thời sẽ là cơ sở rất lớn để thị trường bất động sản khởi sắc vào năm 2025.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động. Điều này sẽ góp phần cải thiện các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.

Bên cạnh đó, việc cải thiện quy trình nộp hồ sơ và phê duyệt, chia sẻ quyền giải quyết xuống cho cấp địa phương; đồng thời, đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.

Cụ thể hơn với phân khúc văn phòng thì sao?

Khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đang và đã trở thành một địa điểm hấp dẫn hơn đối với vốn nước ngoài trong trung hạn so với một số quốc gia Đông Nam Á khác. Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.

Các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các bất động sản văn phòng có vị trí tốt ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, khi họ đặt mục tiêu kỳ vọng vào tiềm năng gia tăng giá trị và sự giảm của tỷ suất vốn hóa. Trong vòng 5 năm qua, khi giá thuê và công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng được cải thiện, đặc biệt với các tòa nhà văn phòng hạng A có chất lượng tốt, công suất cho thuê cao, vị trí đắc địa, đã tạo nên sự khan hiếm cho thị trường.

Đáng chú ý, năm 2023, Công ty TNHH Daibiru công bố việc mua lại phần vốn cổ phần lớn ở tòa nhà thương mại "63 Lý Thái Tổ" - tòa nhà văn phòng hạng A tại Hà Nội. Trong cùng năm, thị trường cũng chứng kiến một thương vụ giao dịch lớn thuộc phân khúc bán lẻ trị giá lên tới 52 triệu USD do tập đoàn Keppel Land của Singapore thực hiện nhằm mua lại 65% cổ phần doanh nghiệp sở hữu bất động sản bán lẻ này.

Còn với bất động sản nghỉ dưỡng?

Đối với mảng Bất động sản Nghỉ dưỡng, thị trường cũng ghi nhận các thương vụ giao dịch trong năm 2022 với khách sạn ibis Saigon South và Capri by Fraser tại TP.HCM.

Tuy còn nhiều thử thách, nhưng Cushman & Wakefield tin rằng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Vì hiện nay, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành, bên cạnh nhiều giải pháp tích cực khác mà chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những quy định mới sẽ giúp tạo giải pháp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.

Theo bà, lời khuyên nào phù hợp cho các bên tham gia thương vụ M&A và dự báo về triển vọng thị trường thời gian tới?

Dưới góc nhìn của một công ty tư vấn bất động sản toàn cầu, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư trước khi tiến hành dự án phải thực hiện nghiên cứu thị trường chuyên sâu, phải có sự tham gia của các chuyên gia ở tất cả các khía cạnh bao gồm luật, ngân hàng, tài chính, thẩm định và tư vấn bất động sản.

Cushman & Wakefield dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực.

Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27/11/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (Quận 1, TP.HCM).

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ”, đây là lần thứ 16 diễn đàn được Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận chuyên sâu những cơ hội và xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực M&A, phân tích các chiến lược tối ưu hóa giá trị thương vụ, các mô hình hợp tác mới, và cách các doanh nghiệp có thể tận dụng làn sóng M&A để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 500 khách tham dự, là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tập đoàn tư nhân trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, các công ty niêm yết, các doanh nghiệp có kế hoạch IPO, các doanh nghiệp có nhu cầu thoái vốn và các đơn vị tư vấn M&A hàng đầu.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-von-lon-se-hoan-tat-do-bo-vao-thi-truong-ma-trong-giai-doan-2024-2026-post357525.html