Dòng vốn ngoại chảy mạnh vào logistics

Theo giới chuyên gia, ngành logistics hoàn toàn có thể trở thành 'gà đẻ trứng vàng' cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh. Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, logistics trong nước cần có những thay đổi phù hợp.

Nhiều dịch vụ hậu cần kho bãi đang được đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Nhiều dịch vụ hậu cần kho bãi đang được đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Các chuyên gia cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển logistics của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14 – 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021. Về phía giới đầu tư, đa phần cho rằng, Việt Nam có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là lý do mà thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường logistics Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam.

Cuối tháng 9, nhà đầu tư Pháp – FM Logistic đưa trung tâm phân phối đa khách hành hiện đại với diện tích trên 20.000m2 vào hoạt động, khả năng mở rộng lên đến 50.000m2 với quy mô đầu tư hơn 50 triệu USD, trang bị 78 cửa xuất nhập hàng. Ông Jean-Christophe Machet - Giám đốc điều hành toàn cầu của FM Logistic khẳng định: “Trung tâm phân phối đa khách hàng đánh dấu cột mốc quan trọng cho cam kết của doanh nghiệp (DN) trong việc cung cấp các giải pháp hậu cần hàng đầu đến với các khách hàng trong khu vực”. Đại diện FM Logistic đánh giá, hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho các DN muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động thị trường ở châu Á. Trước đó, tháng 8/2023, tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Logistics BW tại huyện Long Thành. Dự án có diện tích 64,4ha, cách sân bay Long Thành khoảng 10km. Năm 2022, Best Express Việt Nam đầu tư 20 triệu USD xây dựng trung tâm phân loại hàng hóa tại TPHCM và Bắc Ninh, SEA Logistic Partners đầu tư dự án SLP Park Xuyên Á tại Long An...

“Trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng mạnh về bất động sản logistics chất lượng cao. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu từ thị trường bán lẻ được dự báo tăng, “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi càng gay gắt hơn” - bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield nhận định. Cũng theo bà Trang Bùi, hiện, nguồn hậu cần kho bãi tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, đang có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Nhu cầu sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới.

Đơn giản thủ tục, cắt giảm chi phí

Ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho hay: “Logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, ngành logistics được kỳ vọng trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10%. Đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%. Mặc dù, tiềm năng thị trường logistics Việt Nam khá hấp dẫn, song vẫn cần kéo giảm chi phí logistics. Theo cộng đồng DN, hiện chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao, lên hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Theo ông Edwin Chee – Giám đốc Điều hành SLP Vietnam, Việt Nam cần phát triển đa dạng hóa các trung tâm logistics chứ không chỉ tập trung một khu vực hay một tỉnh thành. Song song đó, áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại trong logistics cần được đẩy mạnh nhằm cải thiện chí phí.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, xu hướng rất rõ hiện nay là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trong DN logistics. Xu hướng thứ hai là xanh hóa chuỗi cung ứng. “DN phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện môi trường đáp ứng nhu cầu xanh hóa, tiết kiệm cho phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng” - ông Hải nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường logistics, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho DN. Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng để ngành logistics phát triển. “Thực hiện được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chắc chắn ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Theo đề án đã được phê duyệt TPHCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha bao gồm Cát Lái – Phú Hữu - Thành phố Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình - TP Thủ Đức (diện tích 54ha), Linh Trung - TP Thủ Đức (diện tích 74ha), Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150ha).

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-von-ngoai-chay-manh-vao-logistics-5740835.html