Đóng, xóa lối đi tự mở qua đường sắt Bắc - Nam: Đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Đóng, xóa lối đi tự mở (LĐTM) qua đường sắt Bắc - Nam là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị các địa phương, tuy nhiên việc thực hiện đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Lực lượng chức năng đóng, xóa 1 lối đi tự mở tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 29/6/2024

Lực lượng chức năng đóng, xóa 1 lối đi tự mở tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 29/6/2024

Nỗ lực đóng, xóa lối đi tự mở, đảm bảo ATGT đường sắt

Thời gian qua, theo chân các đơn vị, lực lượng, chính quyền địa phương thực hiện đóng, xóa các LĐTM qua tuyến đường sắt Bắc - Nam dọc các tỉnh, thành khu vực miền Trung, PV Tạp chí GTVT nhận thấy công tác đóng, xóa các LĐTM qua đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tế cho thấy, nếu ở đơn vị, địa phương nào có sự vào cuộc mạnh mẽ, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương thì ở địa bàn đó nhận được sự đồng thuận của người dân, công tác xóa LĐTM được thực hiện hiệu quả.

Điển hình như tại Km607+500 khu gian Hà Thanh - Tiên An thuộc địa phận thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), LĐTM tồn ngang qua đường sắt ở vị trí đoạn đường hẹp, độ dốc lớn, không lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động, tầm nhìn bị hạn chế, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.

Đáng nói, cách vị trí LĐTM này khoảng 500 m, tại Km606+970 có đường gom dọc ra đường ngang có phòng vệ bằng người gác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi qua đường sắt. Tuy nhiên, LĐTM tại Km607+500 mất ATGT vẫn tồn tại lâu nay và nhiều vụ TNGT gây hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Minh chứng cho điều đó, thời gian qua liên tục xảy ra TNGT đường sắt. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ TNGT, làm chết 2 người. Cụ thể, vào ngày 19/2/2024, vụ TNGT giữa tàu SE17 lưu thông hướng Bắc - Nam với một xe máy khiến 1 người tử vong. Gần đây nhất, ngày 1/4/2024, tại vị trí này cũng xảy ra vụ TNGT giữa tàu SE6 chạy hướng Nam - Bắc với xe máy làm 1 người chết.

Nhằm ngăn ngừa TNGT tiếp diễn, ngày 4/4, UBND huyện Gio Linh, Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an), Phòng Thanh tra - An toàn II (Cục Đường sắt Việt Nam) và đơn vị quản lý đường sắt qua địa phận tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức đóng chắn LĐTM tại Km607+500. Để người dân khu vực này đi lại thuận lợi, an toàn hơn, kết hợp với đóng chắn LĐTM này, chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng phương án hoàn thiện hầm chui tại Km607+920.

Các lối đi tự mở qua đường sắt địa bàn miền Trung thường ở vị trí khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn, nguy cơ mất ATGT rất cao

Các lối đi tự mở qua đường sắt địa bàn miền Trung thường ở vị trí khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn, nguy cơ mất ATGT rất cao

Là một trong những địa phương có số lượng LĐTM qua đường sắt lớn ở địa bàn miền Trung, đến tháng 6/2024, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tồn tại 57 LĐTM. Trước nguy cơ mất ATGT, chính quyền địa phương đã và đang lên kế hoạch thực hiện đóng, xóa các LĐTM, tuy nhiên tình hình thực hiện đối diện với rất nhiều khó khăn, rào cản.

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024, có mặt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), PV ghi nhận cơ quan chuyên trách của UBND huyện Phú Lộc phối hợp với Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an), Phòng Thanh tra - An toàn II (Cục Đường sắt Việt Nam) và đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đóng, xóa các LĐTM ngang qua đường sắt gây mất ATGT, tiềm ẩn TNGT đường sắt. Theo kế hoạch ra quân, các đơn vị, lực lượng thực hiện đóng, xóa 12 LĐTM trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn xã Lộc Điền, thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì, xã Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô.

Theo quan sát của PV, tất cả các vị trí đóng, xóa LĐTM qua địa bàn huyện Phú Lộc là các vị trí đoạn đường hẹp, độ dốc lớn, không lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động, tầm nhìn bị hạn chế, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.

Một vấn đề khác là ở khu vực này đã có các tuyến đường gom hoặc đường kết nối ra khu vực xung quanh, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc vì nhiều lý do khác nhau, lịch sử để lại mà các LĐTM vẫn tồn tại trong suốt thời gian dài. Một khi lối đi tự mở còn tồn tại thì nguy cơ mất ATGT đường sắt còn tiếp diễn, TNGT tiếp tục xảy ra.

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tạo sự đồng thuận trong công tác đóng, xóa LĐTM

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tạo sự đồng thuận trong công tác đóng, xóa LĐTM

Cần sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận từ người dân

Là người dân sinh sống sát LĐTM tại Km729+800 (Km867+300 QL1) tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa bàn xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), ông Huỳnh Như Hà (60 tuổi, trưởng thôn Trung An) cho biết, LĐTM này tồn tại từ hàng chục năm nay nhưng là lối đi không an toàn bởi lối đi có độ dốc lớn, lại nằm trên đoạn tuyến đường cong, khuất tầm nhìn và tiếp giáp ngay mặt QL1, mất ATGT. Trước hiểm họa TNGT xảy ra, trên cơ sở phổ biến chủ trương đóng, xóa LĐTM, thôn Trung An đã họp bàn, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện chủ trương một cách triệt để. "Đóng, xóa LĐTM này, đường ra trung tâm xã hay ra QL1 sẽ đi bằng tuyến đường khác xa hơn, nhưng an toàn hơn", ông Hà nói.

Ông Nguyễn Hữu Thu, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt 5, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho hay, Đội phụ trách tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đoạn Km703+00 - Km756+200. Hiện trên tuyến còn 43 LĐTM và đang thực hiện đóng, xóa 12 LĐTM.

"Công tác đóng, xóa các LĐTM trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các LĐTM tập trung lưu lượng người và phương tiện lớn, nằm ở khu vực dân cư đông. Từ thực tế phối hợp thực hiện đóng, xóa các LĐTM cho thấy, ở địa bàn nào, đoạn tuyến nào có sự quyết tâm chính trị của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương vào cuộc thì sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân rất cao. Từ đó, công tác đóng, xóa LĐTM ngang qua đường sắt sẽ rất thuận lợi", ông Thu nhìn nhận.

Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3

Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3

Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) nhìn nhận, để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, về lâu dài cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu rõ và chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, đường bộ. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các LĐTM, thống nhất phương án làm đường gom để xóa bỏ hoặc tổ chức cảnh giới những LĐTM có nguy cơ xảy ra tai nạn. Chính quyền cấp tỉnh tiếp tục đôn đốc các đơn vị địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT và các giải pháp xóa bỏ LĐTM qua đường sắt trên địa bàn.

Ngoài việc thực hiện xóa LĐTM, các cấp chính quyền địa phương có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt. Công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các đường ngang giao cắt với đường sắt, nhất là các vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT.

"Việc phối hợp ra quân đóng, xóa LĐTM cũng có mục đích tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ trật tự hành lang an toàn đường sắt, đảm bảo an toàn, thân thiện và nâng cao khả năng lưu thông tại các vị trí đường ngang hợp pháp. Để công tác đạt kết quả cao nhất cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý đường sắt trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt, quản lý không để phát sinh các LĐTM trên địa bàn", ông Đăng đề xuất.

Song song với quyết tâm thực hiện đóng, xóa LĐTM qua đường sắt Bắc - Nam, chính quyền các địa phương cũng đặt ra nhiệm vụ "kiên quyết không để xuất hiện thêm LĐTM mới hay tái diễn LĐTM đã đóng, xóa". Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo số liệu thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, tính đến tháng 6/2024, trên tuyến đường sắt qua địa bàn miền Trung (Quảng Bình - Khánh Hòa) còn khoảng 697 LĐTM (Khánh Hòa có: 143, Phú Yên: 74, Bình Định: 137, Quảng Ngãi: 77, Quảng Nam: 61, Đà Nẵng: 9, Thừa Thiên - Huế: 59, Quảng Trị: 16, Quảng Bình: 121). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tỉnh, thành khu vực miền Trung thực hiện đóng, xóa được 21 LĐTM qua đường sắt.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác xóa LĐTM, kinh phí thực hiện xây dựng hàng rào, đường gom, đảm bảo ATGT đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị với chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch giao cắt đường bộ - đường sắt trên địa bàn, đồng thời đề xuất bổ sung các vị trí dự kiến cần xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường ngang theo kế hoạch; lập phương án, kế hoạch tổng thể để xóa bỏ các vị trí LĐTM qua đường sắt hiện có trên địa bàn tỉnh, thực hiện thỏa thuận với Bộ GTVT.

Trong đó, tập trung vào việc thỏa thuận phương án xây dựng đường gom - hàng rào, đường ngang, hầm chui theo quy định của Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2023/TT-BGTVT ngày 29/9/2023 của Bộ GTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Công tác lập hồ sơ đề xuất đầu tư cần phải rà soát kỹ để đảm bảo đủ, đúng về khối lượng, đảm bảo kết nối với hệ thống đường gom, đường giao thông lân cận và các đường ngang hợp pháp; khắc phục các "điểm đen", xóa bỏ tối đa LĐTM qua đường sắt; đề xuất các giải pháp để đảm bảo đồng bộ giữa dự án của Trung ương và dự án của địa phương.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dong-xoa-loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-bac-nam-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-183240807095626438.htm