Đồng Xuân: Đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số
Trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số Trường mầm non Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) tham gia một tiết học với nhiều đồ dùng học tập địa phương. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Đồng Xuân đẩy mạnh đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số (DTTS)”, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS.
Huyện Đồng Xuân hiện có 11 trường mầm non với 2.055 trẻ ở độ tuổi từ 3-5 tuổi, trong đó 6 trường có trẻ DTTS với 425 em. Phần đông trẻ DTTS trước khi đến trường thường sử dụng tiếng đồng bào, tiếng Việt nói chưa sỏi nên khi ra lớp các em ngại giao tiếp. Trước thực trạng trên, các trường mầm non trong huyện đẩy mạnh đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS” và mang lại kết quả khả quan.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ
Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS” ở các huyện trong tỉnh nói chung và huyện Đồng Xuân nói riêng đã giúp nhiều trẻ em đồng bào DTTS vượt qua rào cản ngôn ngữ. Nhiều trẻ ở cuối độ tuổi mẫu giáo có khả năng nghe, nói tiếng Việt tương đối tốt, đạt một số kỹ năng cơ bản tiền đọc, tiền viết như tập tô, viết, làm quen với sách và nhận dạng được 29 chữ cái, nhận biết được chữ số và số lượng trong phạm vi 10”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái nhận xét.
Để thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS”, Trường mầm non Xuân Lãnh phân học sinh DTTS ra học lớp riêng để cô, trò thuận lợi cho việc dạy và học. Cô Trần Thị Thu Liễu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Toàn trường hiện có 7 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường, 5 lớp với 102 trẻ là người đồng bào DTTS tại các thôn: Da Dù, Soi Nga, Hà Rai và Xí Thoại, trong đó Da Dù có 2 điểm trường. 3 điểm trường còn lại ở thôn Lãnh Tú, Lãnh Cao và điểm trường chính đóng tại thôn Lãnh Trường”.
Theo cô Liễu, sở dĩ tách các trẻ đồng bào DTTS ra học riêng là vì các em ở cùng thôn, cùng làng nên bố trí lớp học phù hợp. Tại mỗi phòng học, nhà trường luôn bố trí góc đồ dùng của địa phương với những dụng cụ thông thường mà gia đình các trẻ dùng, cũng như bố trí trang thiết bị đồ dùng học tập, đồ chơi. Mỗi đồ dùng, đồ chơi trường đều chú thích bằng tiếng Việt để các em làm quen. Ngoài ra, trường thường chiếu video về chương trình giáo dục cho trẻ để thông qua những hình ảnh minh họa giúp các em nhanh chóng biết tiếng Việt.
Cũng như Trường mầm non Xuân Lãnh, thời gian qua, Trường mầm non Xuân Quang 1 cũng thực hiện tốt chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS”. Cô Nguyễn Thị Kim Miền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp trẻ em đồng bào DTTS thông thạo tiếng Việt, nhà trường bố trí các góc học tập không chỉ trong lớp mà còn xây dựng góc học tập ở ngoài phòng học với nhiều tranh ảnh và đồ dùng cá nhân của trẻ. Thiết bị trong lớp được dán ký hiệu bằng các chữ cái; các mảng tường có sử dụng đa dạng kiểu chữ cái; các chữ cái và chữ số treo, dán trong lớp. Qua đó tạo môi trường cho trẻ có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động với môi trường tiếng Việt”.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Miền, toàn trường hiện có 201 trẻ, 8 lớp ở độ tuổi từ 3-5 tuổi, trong đó có 84 trẻ DTTS. Khi thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS” đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều em không những nói thông thạo tiếng Việt mà còn mạnh dạn giao tiếp với mọi người”, cô Miền cho biết thêm.
Cũng như trường mầm non Xuân Lãnh và Trường mầm non Xuân Quang 1, hiện các trường mầm non ở Đồng Xuân cũng thực hiện tốt chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành, để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ vùng DTTS, thời gian qua, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Qua hơn ba năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng DTTS”, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 9 phòng học mới, xây dựng tường rào cho các điểm trường và đầu tư trang thiết bị dạy học, đồ chơi với 3,3 tỉ đồng. Nhờ đó, ngành Giáo dục huyện đã huy động và duy trì trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.
Ngoài đẩy mạnh quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành Giáo dục huyện Đồng Xuân còn chủ động xây dựng tốt môi trường bên trong và bên ngoài lớp học. Theo cô Trần Thị Thu Liễu, môi trường lớp học đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy và học, nó quyết định phần lớn tới chất lượng dạy học. Đối với các lớp dạy tăng cường tiếng Việt thì việc tạo môi trường lớp học lại càng ý nghĩa hơn đối với trẻ.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành cho biết thêm, để nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian tới, ngoài xây dựng tốt môi trường bên trong và bên ngoài lớp học, ngành Giáo dục huyện Đồng Xuân còn đẩy mạnh việc phối hợp tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt từ ngay trong nhà trường và trong gia đình trẻ. Đồng thời, ngành Giáo dục huyện cũng đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống tăng cường giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt; thường xuyên tổ chức cho trẻ 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học; tổ chức ngày hội nói tiếng Việt cho trẻ DTTS bằng nhiều hình thức phong phú, qua đó khuyến khích phụ huynh cùng tham gia.