Đồng ý thực hiện chủ trương TP.HCM lập thành phố Thủ Đức

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại TP.HCM và đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và Thủ Đức - Ảnh: Phan Diệu

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và Thủ Đức - Ảnh: Phan Diệu

Theo đó, về đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến và giao UBND TP.HCM xây dựng đề án, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Trong quá trình xây dựng đề án, Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức (có thể thực hiện qua hình thức họp trực tuyến). Việc này nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của thành phố.

Để thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, TP.HCM cũng cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Để làm được điều này, TP.HCM cần làm việc với các Bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

Ngoài ra, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của TP.HCM cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.

Ông Trương Hòa Bình cũng giao TP.HCM làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Thủ Đức. Trong đó, nếu có các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa thì cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT).

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, do đặc thù của thành phố Thủ Đức tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư với thành phần đến từ nhiều tỉnh thành, quốc gia khác nhau, thành phố Thủ Đức cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống và yếu tố liên quan tới dịch tễ. Điều này nhằm không để phát sinh lây lan dịch bệnh cần phải được tính toán trước, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Về việc không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM, Phó Thủ tướng đồng ý xây dựng đề án với tên gọi là Đề án chính quyền đô thị tại TP.HCM nhằm thể chế hóa chủ trương tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo.

Việc này nhằm thể chế hóa chủ trương tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị loại đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật của cả nước.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/dong-y-thuc-hien-chu-truong-tphcm-lap-thanh-pho-thu-duc-142682.html