Đồng yen giảm về mức thấp trong 24 năm, Nhật Bản phát tín hiệu can thiệp

Đồng yen suy yếu thường tạo lợi thế cho hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản nhưng đà giảm giá mạnh lần này lại gây áp lực cho các nhà nhập khẩu trong nước vì họ phải chi nhiều đô la hơn để mua dầu, khí đốt và nguyên vật liệu thô từ thị trường quốc tế.

Đồng yen của Nhật giảm về mức thấp nhất trong 24 năm so với đô la Mỹ khi lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng trước nỗi lo lạm phát của giới đầu tư.

Hôm 13-6, giá đồng yen có lúc vượt qua ngưỡng 135 ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 1998. Ảnh: Nikkei Asian Review

Do chính sách tiền tệ trái ngược giữa Nhật và Mỹ

Hôm nay (13-6), giá đồng yen có lúc vượt qua ngưỡng tâm lý 135 ăn 1 đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á càn quét nền kinh tế khu vực. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen giảm giá đến 15% khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn neo giữ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ, trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt khi giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lạm phát.

“Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ nước ngoài và giá cả năng lượng cộng với những thông điệp bày tỏ quan điểm tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã đẩy tỷ giá đô la Mỹ – yen Nhật lên mức cao nhất trong 20 năm”, các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays nhận định đồng thời dự báo đồng yen sẽ dao động ở biên độ 131-136 ăn 1 đô la trong tuần này”.

Sự suy yếu của đồng yen có thể gây tác động phức tạp đến nền kinh tế trong nước, làm tổn thương sức mua của các hộ gia đình nhưng lại hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu đồng yen giảm giá thêm nữa, các nền kinh tế châu Á láng giềng sẽ chịu sức ép ngày càng gia tăng do tính cạnh tranh xuất khẩu của họ bị lép vế.

“Các thị trường dường như đang định giá dựa vào triển vọng Mỹ tăng lãi suất quyết liệt với một số nhà phân tích dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm) trong tháng 6 này trong bối cảnh Fed lo lạm phát ở mức cao sẽ kéo dài”, Shinsuke Kajita, Giám đốc chiến lược ở Ngân hàng Resona Holdings, nhận định.

Đồng yen cũng chịu áp lực giảm giá so với các ngoại tệ mạnh khác. Hồi đầu tháng này, đồng yen giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng euro và đô la Úc sau khi Ngân hàng dự trữ Úc tăng lãi suất mạnh hơn dự báo và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố kế hoạch triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ.

Hôm 10-6, Bộ Tài chính Nhật Bản, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản và BOJ đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại đà giảm giá quá nhanh của đồng yen. “Chính phủ và BOJ sẽ phối hợp chặt chẽ và theo dõi những diễn biến trên thị trường ngoại hối cũng như tác động của chúng đối với nền kinh tế và giá cả với tinh thần cấp bách hơn”, tuyên bố cho biết và lưu ý thêm rằng các cơ quan này sẽ hành động nếu cần thiết.

BoJ dự kiến tổ chức cuộc họp về chính sách tiền tệ vào cuối tuần này.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản bắt đầu lo lắng

Theo truyền thống, đồng yen và đô la Mỹ là những ngoại tệ mạnh, thường tăng giá khi nền kinh tế thế giới đón nhận nhiều tin xấu. Nhưng lần này, đô la tăng giá và đã gây tổn thương cho đồng yen, một phần là vì BoJ cam kết tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp dù lạm phát trong nước đang tăng nhẹ.

BoJ đã nhiều lần bác bỏ các lời kêu gọi siết chặt các điều kiện cho vay. Fed đã hành động ngược với BoJ với các đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát. Fed có thể quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất hơn nữa tại cuộc họp chính sách trong tuần này

Là tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 3 trên thế giới, đồng yen đóng vai trò quan trọng trên các thị trường tài chính.

Đồng yen rẻ thường có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn dựa vào thế mạnh xuất khẩu ở các lĩnh vực như ô tô. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Nhật Bản bắt đầu lo ngại đà sụt giá quá mạnh lần này của đồng yen trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và nguồn cung khan hiếm

Seiichi Nagatsuka, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, cho biết tại một cuộc họp báo: “Bình thường, đồng yen yếu sẽ có lợi đối với hoạt động xuất khẩu ô tô và giúp tăng lợi nhuận cho các hãng xe. Nhưng mặt trái của sự suy yếu của đồng yen là khi nó giảm giá mạnh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện ô tô tăng vọt”.

Tadashi Yanai, Giám đốc điều hành Fast Retailing, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo, nhận định đồng yen yếu không tốt cho nền kinh tế của đất nước. “Đồng yen yếu chẳng tạo ra ích lợi gì đối với nền kinh tế Nhật Bản. Vì các công ty Nhật Bản sản xuất các sản phẩm bằng cách sử dụng nguyên vật liệu thô mua từ khắp nơi trên thế giới, rồi tạo giá trị gia tăng và bán lại chúng, do đó, không phải là lợi thế nếu đồng tiền của chúng ta bị mất giá”, Yanai nói hồi tháng 4.

Không còn được xem là nơi trú ẩn an toàn

Thông thường khi các thị trường tài chính suy sụp, đồng yen trở thành một trong những tài sản trú ẩn an toàn mà giới đầu tư sẽ đổ xô mua, tương tự như đồng đô la. Nhưng giới theo các nhà phân tích, giới đầu tư không trú ẩn ở đồng yen trong cơn biến động thị trường lần này, một phần là vì chính sách tiền tệ lệch nhau giữa Mỹ và Nhật Bản.

Phần khác là vì nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới liên tục thâm hụt thương mại trong những tháng gần đây và tình hình này có thể còn kéo dài. Các nhà phân tích cũng cho rằng cú sốc giá năng lượng do tác động của cuộc chiến tại Ukraine có nghĩa là các nhà nhập khẩu Nhật Bản cần chi nhiều đô la hơn để mua dầu và khí đốt từ nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đô la đang được định giá cao quá mức so với đồng yen. Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác lo ngại cơn tăng giá của đô la sẽ chấm dứt nếu nền kinh tế Mỹ trì trệ khi chi phí vay tăng cao và người tiêu dùng cảm nhận các tác động của lạm phát.

Theo Reuters, Wall Street Journal, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-yen-giam-ve-muc-thap-trong-24-nam-nhat-ban-phat-tin-hieu-can-thiep/