Đồng yên rẻ - Rào cản mới của Nhật Bản trong cạnh tranh thu hút lao động nước ngoài

Đồng yên Nhật Bản đang giao dịch ở mức thấp kỷ lục trong gần 40 năm, thực tế này đang khiến các quan chức chính phủ Nhật Bản và các ngân hàng trung ương phải chạy đua để đưa ra một phản ứng chính sách khẩn cấp và thuyết phục.

Một thực tập sinh Việt Nam làm việc tại nhà máy ở tỉnh Gunma.

Một thực tập sinh Việt Nam làm việc tại nhà máy ở tỉnh Gunma.

Một ước tính cho thấy, các hộ gia đình ở Nhật Bản phải đối mặt với mức tăng chi phí hàng năm lên tới 90.000 yên (570 USD) do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng cao, khi đồng tiền trượt giá làm sức mua suy giảm.

Trong nền kinh tế thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản từ xưởng sản xuất đến dịch vụ đang vật lộn với một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của enyasu (đồng yên rẻ). Đó là làm thế nào để thuê và giữ chân người lao động nước ngoài cũng như nhân lực điều hành mà họ cần trong bối cảnh đó quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Ngay cả khi Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế về thị thực lao động, đồng tiền trượt giá có nghĩa là người lao động nhập cư có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở các nước khác để gửi về nước dưới hình thức chuyển tiền.

Tăng lương – Giải pháp đau đớn của doanh nghiệp

Đối với một số công ty, phản ứng rõ ràng nhưng cũng đầy đau đớn – tăng lương để thu hút lao động nước ngoài và chuyển chi phí sang người tiêu dùng, gây áp lực lạm phát.

Trong một trường hợp vào năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ dọn phòng Nhật Bản Bears, vốn phụ thuộc một phần vào lực lượng lao động trẻ, có trình độ từ Philippines, đã tăng phí dịch vụ lần đầu tiên sau 18 năm, lên tới 20%. Trong năm tài chính trước đó, doanh thu của Bears đạt 6 tỷ yên.

Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp, cạnh tranh, cũng như ở các doanh nghiệp nhỏ hơn, tăng lương lớn không phải là một lựa chọn khả thi về lâu dài.

“Mức lương của tôi vẫn giữ nguyên”, Spandan Sunar, một công dân Nepal 27 tuổi cho biết. Sunar làm việc tại một công ty vận tải ở Chiba, phía đông Tokyo, và từng gửi khoảng 50.000 yên mỗi tháng về cho gia đình ở Nepal khi anh mới đến vào năm 2018.

Để gửi số tiền tương đương bây giờ Sunar sẽ phải tốn 80.000 yên mỗi tháng, từ là thêm một số tiền mà anh không đủ khả năng chi trả. Điều đó có nghĩa là gửi ít hơn về Nepal. Mặc dù trước đây anh phải tiết kiệm 30.000 yên mỗi tháng nhưng giờ đây anh đã phải giảm bớt mức tiết kiệm do áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Anh thừa nhận: “Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đang phải vật lộn với vấn đề thu nhập thấp.

Sunar so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của những người bạn Nepal kiếm được mức lương cao hơn ở Mỹ và Australia, đồng thời lưu ý rằng một số người đã cân nhắc chuyển đến Nhật Bản trước khi chọn đi nơi khác. Thế nhưng đối với Sunar, việc từ bỏ vị trí hiện tại cũng đồng nghĩa với việc vứt bỏ nỗ lực đáng kể để đạt được mục tiêu đến Nhật Bản làm việc.

Một số công ty đã đưa ra các điều kiện làm việc linh hoạt hơn như một chiến lược để tuyển dụng nhân viên nước ngoài. Dịch vụ thanh toán PayPay của Nhật Bản đã và đang cung cấp các lựa chọn làm việc từ xa để thu hút các kỹ sư tài năng. Công ty cho biết: “Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu tại Nhật Bản, kể cả các khu nghỉ dưỡng, với phong cách làm việc hoàn toàn từ xa của chúng tôi”. Công ty họ hiện có các kỹ sư làm việc từ xa tại các điểm du lịch trên khắp Nhật Bản và “chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đến việc tuyển dụng do đồng yên suy yếu”. Tuy nhiên, giải pháp tiềm năng đó có thể không phù hợp với những công việc đòi hỏi tay nghề thấp hơn.

Lao động nước ngoài tay nghề thấp – Đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất

Một thực tập sinh Việt Nam làm việc một nhà dưỡng lão ở Nhật Bản.

Một thực tập sinh Việt Nam làm việc một nhà dưỡng lão ở Nhật Bản.

Hiroo Yamanouchi, đối tác và người đứng đầu bộ phận tư vấn nghề nghiệp tại Mercer Japan, cho biết: “Những người lao động có mức lương tương đối thấp, như thực tập sinh kỹ thuật, công nhân trong ngành dịch vụ và sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đồng yên yếu”.

Yamanouchi nói rằng tác động của sự suy yếu của đồng yên trong thu hút lao động nước ngoài là rõ ràng nhất đối với các lao động tay nghề thấp được phái cử từ các quốc gia có mức lương thấp như Indonesia, Myanmar, Campuchia và Bangladesh.

Người đại diện cho biết, mặc dù không có nhân viên hiện tại nào rời sang nước khác vì tỷ giá hối đoái, nhưng đồng yên yếu hơn "không thể là điều tích cực cho việc tuyển dụng. ... Thật đáng sợ nếu đồng yên tiếp tục giảm giá".

Ví dụ, ở Việt Nam, số lượng người sẵn sàng đến Nhật Bản để kiếm tiền đã giảm do nền kinh tế nước này phát triển, theo Yamanouchi.

Theo số liệu chính thức, sau thời kỳ gián đoạn do COVID-19, số lượng thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản đang tăng trở lại và hiện có hơn 200.000 người.

Chiếm khoảng một nửa cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, các thực tập sinh được cho là giúp quốc gia này giải quyết bài toán thiếu lao động ở các ngành nghề không yêu cầu tay nghề cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vệc đồng yen liên tục mất giá đang khiến các lao động Việt Nam tại Nhật Bản phải điều chỉnh lại cách thức chi tiêu. Thậm chí, có những người đã cân nhắc đến khả năng về nước sau khi hết hạn hợp đồng.

Theo anh Nguyễn Tiến Sơn, sang Nhật Bản làm thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm với hi vọng kiếm chút vốn. Anh ước tính, với mức lương khoảng 140.000 yên/tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, anh sẽ gửi về gia đình được khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đồng yên liên tục mất giá từ năm 2021 đến nay khiến thu nhập của anh chuyển sang tiền Việt bị giảm mạnh. Thêm vào đó, giá cả tại Nhật Bản tăng mạnh làm tăng chi phí sinh hoạt. Anh cho biết giờ đây số tiền gửi về nhà hàng tháng của anh chỉ còn chưa được 10 triệu/tháng.

Đại diện một doanh nghiệp phái cử Việt Nam thừa nhận việc đồng yên mất giá kỷ lục khiến thu nhập của người lao động tại Nhật giảm mạnh, khoảng 30-40%. Điều này đã khiến cho Nhật Bản giảm sức hút. Tỷ lệ lao động Việt Nam đăng ký đi thị trường Nhật hiện nay đang giảm so với các thị trường khác.

Chắc chắn, như Shinji Yamazaki tại công ty nhân sự Career-tasu giải thích, có những lao động nước ngoài đến Nhật Bản vì họ thích đất nước này có xu hướng muốn làm việc và ở lại, bất kể cơ hội kiếm được việc làm được trả lương cao hơn ở nước ngoài.

Tiếng Nhật là ngôn ngữ độc đáo so với các ngôn ngữ khác và "có tác dụng khiến mọi người ít rời khỏi Nhật Bản hơn khi họ đã thành thạo nó."

Thế nhưng nếu không tăng lương và “nếu xu hướng đồng yên tiếp tục yếu, điều đó có thể dẫn đến sự sụt giảm số lượng người muốn đến Nhật Bản trong tương lai”, Yamazaki, phó giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu của Career-tatsu, cho biết.

Nguy cơ dịch chuyển chất xám của Nhật Bản

Theo khảo sát năm 2024 của công ty nhân sự Mynavi Global, có 91% sinh viên và người lao động nước ngoài sống ở Nhật Bản cho biết họ muốn ở lại nước này. Thế nhưng con số đó thể hiện mức giảm 5,8 điểm phần trăm so với năm 2022. Lý do hàng đầu được nêu là do không muốn làm việc tại Nhật Bản là gì? Đồng yên yếu.

Toàn cảnh một phân xưởng của nhà máy SANSHINKOGYO, một trong những doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục lao động Việt Nam.

Toàn cảnh một phân xưởng của nhà máy SANSHINKOGYO, một trong những doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục lao động Việt Nam.

Ngay cả khi trừ đi yếu tố tiền tệ, mức lương của Nhật Bản từ lâu vẫn ở mức khiêm tốn, bị ảnh hưởng bởi hàng thập kỷ giảm phát và tăng trưởng thấp sau khi bong bóng tài sản Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990.

Thu nhập trung bình hàng tháng của Nhật Bản là 2.800 USD, thấp hơn nhiều so với 4.600 USD ở Mỹ hoặc 3.483 USD ở Singapore, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho năm 2021, năm gần đây nhất có dữ liệu.

Sự mất giá nhanh chóng của đồng yên đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đồng tiền này đã trượt từ khoảng 130 yên đổi 1 USD vào đầu năm 2023 xuống còn hơn 160 yên trong tháng này.

Một lĩnh vực mà các công ty Nhật Bản đặc biệt phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu trong việc thu hút nhân tài là công nghệ thông tin (CNTT), khi các doanh nghiệp phải đối mặt với khoảng cách về kỹ năng trong nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của họ.

Theo công ty nhân sự Human Resocia, thù lao kỹ sư CNTT của Nhật Bản vào năm 2023 giảm 5,9% tính theo USD so với năm trước, trong khi tăng 0,4% tính bằng yên. Mức lương trung bình hàng năm là 36.061 USD, cao hơn một phần ba so với mức 92.378 USD ở Mỹ theo tính toán dựa trên tỷ giá hối đoái trung bình từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023.

Theo Junichi Takinami, giám đốc điều hành quốc gia của Korn Ferry Japan, chi phí thuê giám đốc điều hành "thường cao gấp hai hoặc ba lần so với việc thuê lãnh đạo địa phương hoặc thăng chức nhân viên từ bên trong".

Một đại diện của công ty tuyển dụng cho biết một khách hàng, một nhà sản xuất lớn, trong sáu tháng qua đã ngừng tìm kiếm các ứng viên bên ngoài Nhật Bản vào các vị trí điều hành vì “Họ đơn giản là không thể cạnh tranh được”.

Khi các công ty cố gắng thu hút các giám đốc điều hành quốc tế, họ thường phải đưa ra mức lương tương đương hoặc cao hơn mức lương mà ứng viên đã nhận được bằng đồng USD. Kenichi Iwata, Trưởng văn phòng Tokyo của công ty săn đầu người Egon Zehnder cho biết: “Chi phí của các công ty chắc chắn cao hơn do đồng yên yếu”.

Trong khi đó, tác động của đồng yên yếu không chỉ giới hạn ở việc tuyển dụng ở nước ngoài.

Mặc dù tình trạng "chảy máu chất xám" ở Nhật Bản vẫn chưa xảy ra trên diện rộng, nhưng theo hầu hết các công ty nhân sự, có một số dấu hiệu ban đầu về sự dịch chuyển.

Christopher Delcourt, Giám đốc quốc gia Nhật Bản của công ty tuyển dụng Hyre cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều giám đốc điều hành cấp cao người Nhật muốn chuyển đến Singapore, Malaysia và Việt Nam”.

Việc định cư ở nước ngoài đối với những người Nhật có thu nhập cao luôn hấp dẫn ở các quốc gia áp dụng thuế thu nhập thấp hơn.

Delcourt cho biết: “Bây giờ với đồng yên yếu, đó là một yếu tố bổ sung mà họ đang xem xét”, vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng đồng USD Mỹ.

Trong khi áp lực đồng yên yếu ngày càng gia tăng, Lê Việt Anh, một kỹ sư phần mềm của Việt Nam đang ở Nhật Bản trong một thời gian dài, với mục tiêu làm việc và tiết kiệm tiền thêm vài năm nữa trước khi quay trở lại Việt Nam để xây dựng công ty của riêng mình. Thế nhưng, đồng hương của anh đã rời Nhật Bản để thử vận may kiếm nhiều tiền hơn ở những nước khác như Mỹ, Đức và Australia.

Anh nói: “Tôi nghĩ rằng nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là từ các nước đang phát triển, sẽ rời khỏi Nhật Bản để đến các nước có thu nhập cao hơn như các nước ở Châu Âu và Mỹ”.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-yen-re-rao-can-moi-cua-nhat-ban-trong-canh-tranh-thu-hut-lao-dong-nuoc-ngoai-20240716141249397.htm