Liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm
Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) gồm 6 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích của vùng chỉ chiếm 7,1% diện tích cả nước nhưng ĐNB đóng góp hơn 30% GDP của Việt Nam.
ĐNB cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước với công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics… rất phát triển. Hàng hóa sản xuất tại ĐNB đa dạng, có sản phẩm công nghiệp, nông sản. Trong đó, hơn một nửa sản phẩm được xuất khẩu vào hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm công nghiệp, nông sản trong vùng ĐNB gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra. Vì thế, kết nối vùng để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước là việc các tỉnh, thành ĐNB đang cố gắng thực hiện. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại để gắn kết các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài với các nhà vườn, trang trại, hợp tác xã để đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu. Trong đó, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành của vùng ĐNB đã nỗ lực thực hiện các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo để có đầu ra ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm khác đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận. Đồng thời, tỉnh cố gắng xây dựng mã vùng trồng, cơ sở chế biến để mở rộng thị trường xuất khẩu với một số cây trồng như: chuối, sầu riêng…
Từ đầu năm đến nay, có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Falabella (Chile), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan)… đã đến vùng ĐNB tìm nguồn cung hàng hóa công nghiệp, nông sản để đưa vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu. Trong đó, yêu cầu hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, số lượng lớn, sản xuất theo tiêu chí xanh. Các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên có thể liên hệ bán hàng hóa cho những tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới. Đây là cơ hội để nông dân Đồng Nai cũng như nhiều địa phương trên cả nước mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa. Trung bình mỗi năm, Đồng Nai sản xuất ra hơn 1 triệu tấn nông sản, hiện đa số tiêu thụ trong nước. Vì thế, bán hàng cho các tập đoàn trên sẽ giúp nông dân có đầu ra ổn định, giá cao và yên tâm đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng.
Ngoài ra, Đồng Nai có nhiều làng nghề, với những sản phẩm đặc sắc như: gốm, mộc mỹ nghệ, trầm hương, nấm các loại, sợi hủ tiếu, bún, bánh đa… được đánh giá đặc sắc, có thể liên kết với các tập đoàn bán lẻ để sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào từng nước.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/lien-ket-vung-de-tieu-thu-san-pham-cbc6f14/