Đọt choại Hậu Giang: Món rau có hình dáng độc lạ, đặc sản bình dị vùng sông nước
Về Hậu Giang, bạn đừng quên ăn thử món đọt choại xào, dù chẳng phải cao lương mỹ vị gì nhưng lại gây thương nhớ đến lạ.
Vùng sông nước Hậu Giang có món đọt choại lạ lẫm từ cái tên đến hình dáng bên ngoài. Đọt choại là một loài thuộc thân dây leo họ dương xỉ, sống được ở cả vùng trũng hay đất nhiễm phèn nhờ bộ rễ có khả năng hút nước mạnh.
Choại có hình dáng rất lạ, thân mảnh, đọt non xoăn tít và uốn cong như con cuốn chiếu cuộn mình, thân bò tới đâu thì bám rễ tới đó. Vị của loại rau này nghiêng về đắng, nhưng nhai kỹ sẽ thấy hậu vị ngọt, khi chế biến thành món ăn lại mang đến hương vị không lẫn đi đâu được. Bởi thế mới thành đặc sản của vùng sông nước nổi danh khắp mọi miền.
Người Hậu Giang chế biến đọt choại rất đơn giản nhưng ứng dụng được vào nhiều món ăn. Choại được ăn kèm với lẩu cá ngát, cá hồi; choại trộn nước mắm giấm tỏi ớt để thành món gỏi khai vị, hoặc bình dị và thân thuộc nhất là đọt choại luộc chấm nước tương, nước thịt kho, nước cá hay mắm nêm.
Ngoài ra, trên mâm cơm của người dân địa phương còn hay xuất hiện món đọt choại xào tỏi, béo béo, thơm thơm ăn với cơm rất hấp dẫn.
Thế nhưng, nghĩ về cái ngon của đọt choại Hậu Giang, người ta sẽ nhớ đến món canh chua nấu với cá rô đồng. Vị đắng, chát nhẹ của choại hòa quyện với vị béo, ngọt của cá đồng làm nên một món ăn thanh mát, đầy dinh dưỡng.
Cùng với sự nổi tiếng ngày càng lan rộng của đặc sản quê nhà, nhiều nhà hàng ở Hậu Giang đã sáng tạo thêm những cách chế biến mới, ví dụ như đọt choại ăn kèm cháo nhộng ong nấu độn măng tươi; đọt choại vườn xào với nấm rơm; đọt choại ăn kèm với cá thác lác chiên, cá rô chiên hoặc cá lóc nướng trui…
Dù chế biến theo cách nào thì mùi vị dân dã của loại rau này vẫn còn nguyên đó, khiến thực khách phương xa lưu luyến mãi.