'Dốt hay sính chữ'

Ngày 15-9-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 15 để cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp. Tại cuộc họp này, khi giải trình về một số vụ án oan sai, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định các biện pháp hạn chế dần quyền con người khi có dấu hiệu phạm tội, người liên quan đến tội phạm. Do đó, các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố đã áp dụng biện pháp này để đảm bảo chứng minh được tội phạm, đưa ra xử đúng người, đúng tội theo quy định pháp luật. Thế nhưng với bản chất xuyên tạc, bịa đặt để hướng lái dư luận, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đồng loạt phát tán những bài viết cho rằng các cơ quan tư pháp của Việt Nam đã, đang vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người và nguyên tắc xét xử công bằng.

Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15-9-2022, trong phát biểu giải trình về một số vụ án được dư luận quan tâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đánh giá: “Trước hết, bảo vệ quyền con người là việc chúng ta phải làm, nhưng bảo vệ đại đa số quần chúng nhân dân có cuộc sống bình yên, ổn định xã hội để phát triển, nó hoàn toàn khác chuyện bảo vệ tuyệt đối quyền con người của những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu liên quan đến tội phạm... Bởi, trong luật tố tụng đã quy định các biện pháp để hạn chế dần quyền của những con người có dấu hiệu phạm tội, người liên quan đến tội phạm. Trong quá trình thực hiện các biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố, luật tố tụng cho phép áp dụng biện pháp này để đảm bảo chứng minh được tội phạm, đảm bảo đưa ra xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật”.

Thế nhưng ngày 16-9-2022, trên facebook của các đài RFA, BBC, RFI, VOA và nhiều website, fanpage, YouTube phản động, giả danh như: “Việt Tân”, “Tuổi trẻ yêu nước”, “Bảo vệ nhân quyền”, “Vì biển đảo Việt Nam”, “Chống tham nhũng, tiêu cực”; “Sáng kiến pháp lý Việt Nam”, “Kết nối yêu thương”, “Người-việt.com”… của những tổ chức phản động, thù địch có máy chủ ở nước ngoài đã đồng loạt phát tán bài viết xuyên tạc nội dung phát biểu của ông Lê Minh Trí. Bằng chứng là ngày 16-9-2022, trên facebook của đài RFA và tổ chức khủng bố Việt Tân đã đăng bài viết có tựa đề: “Phát biểu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí vi phạm nghiêm trọng quyền con người”. Nội dung của bài viết này có đoạn: Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-9-2022, ông Lê Minh Trí được truyền thông Nhà nước dẫn lời phát biểu với nội dung cho rằng “bảo vệ quyền con người là việc phải làm”. Tuy nhiên, nhân quyền của nghi phạm, nghi can có thể bị hạn chế để bảo vệ cuộc sống bình yên của đa số người dân… Một số luật sư nói rằng, phát biểu nêu trên của ông Lê Minh Trí thể hiện sự vi phạm quyền con người và nguyên tắc xét xử công bằng.

Trong từ điển thành ngữ Việt Nam có câu: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” hoặc “dốt hay sính chữ”. Câu này có nghĩa là những kẻ xấu thì hay khoe tốt cho mình, người dốt lại hay mượn lời của thánh hiền nói để lòe người ta. Nói cách khác là những người xấu xí, có khuyết tật thì lại hay cố tỏ ra mình tốt đẹp, có ưu điểm. Còn những kẻ dốt nát, kém cỏi lại hay khoe khoang mình giỏi giang, thông minh; bất tài nhưng lại hay khoe khoang, khoác lác, phô trương. Và câu thành ngữ này hoàn toàn đúng đối với RFA, BBC, RFI, VOA và tổ chức khủng bố Việt Tân. Bởi các tổ chức này hoàn toàn không hiểu gì về pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế về quyền con người. Bằng chứng là Luật Nhân quyền quốc tế thừa nhận, quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp phải được hạn chế nhằm đảm bảo trật tự xã hội. Việc ghi nhận các nguyên tắc hạn chế quyền con người trong pháp luật quốc tế hay quốc gia chính là để đảm bảo việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 29 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948 quy định: “Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”. Và tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng quy định rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đồng thời, tại khoản 2 và 4 Điều 15 cũng ghi nhận: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác… Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Không chỉ có Việt Nam mà từ đầu thế kỷ XX, Cộng hòa Pháp đã quy định cụ thể việc hạn chế quyền tự do cơ bản của con người vì lý do trật tự công cộng. Theo đó, Tham chính viện - cơ quan xét xử hành chính tối cao của Pháp đã đề ra nguyên tắc: Các hạn chế đối với tự do do chính quyền đưa ra chỉ hợp pháp khi việc duy trì trật tự công cộng đòi hỏi. Lý do đưa ra quy định này là để ngăn chặn việc thực thi quyền của người này gây ảnh hưởng, đe dọa đến quyền tự do của người khác và trật tự xã hội nói chung. Nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì một trật tự để bảo đảm tự do của các thành viên trong xã hội. Còn trong hệ thống pháp luật của Liên minh châu Âu, cụ thể là trong Công ước châu Âu về quyền con người cho phép các quốc gia giới hạn các quyền cơ bản vì lý do trật tự công cộng.

Từ dẫn chứng và phân tích nêu trên cho thấy, với mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta, các thế lực phản động, thù địch đã cố tình xuyên tạc, bịa đặt, chụp mũ để hướng lái dư luận theo ý đồ đen tối của chúng. Tuy nhiên, dù có mưu mô, tinh vi và thâm độc đến đâu thì chúng cũng không thể lừa được người dân Việt Nam. Vì từ ngàn xưa, để khuyên răn những ai đã xấu lại hay làm tốt, đã dốt lại hay nói chữ, người Việt có câu: “Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”. Ý nghĩa của câu nói này là thà chấp nhận mình chẳng biết gì còn hơn biết lơ mơ, không rõ ràng, không sâu sắc, nhưng lại vòng vo, nói cho qua, cho có, tỏ ra mình thấu đáo, cặn kẽ mọi chuyện nhưng thật sự vẫn là “ếch ngồi đáy giếng”, có tầm hiểu biết nông cạn mà kiêu ngạo, ra vẻ ta đây để dạy đời.

Như Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137290/dot-hay-sinh-chu