Đột kích các công ty tư vấn quốc tế, Trung Quốc đang làm khó dòng vốn FDI
Trong nhiều tuần, người ta biết rất ít về lý do tại sao các công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng ở Trung Quốc bị cảnh sát đột kích.
Các nhân viên của các công ty này bị thẩm vấn, thậm chí bị giam giữ, khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy hoang mang.
Thông tin cơ bản hay tình báo?
Ngày 8-5, sau các cuộc đột kích các công ty Mỹ như Tập đoàn Mintz, Bain & Company… Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cáo buộc các nước phương Tây đánh cắp thông tin tình báo trong các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm quốc phòng, tài chính, năng lượng và y tế, như một phần của “chiến lược ngăn chặn và đàn áp chống lại Trung Quốc”.
CCTV đã dành phóng sự đặc biệt dài 15 phút về vấn đề này và tập trung vào Capvision Partners, cho rằng “các tổ chức ở nước ngoài” đã hợp tác với các công ty tư vấn trong nước để che giấu lý lịch nước ngoài của họ, nhằm “trốn tránh” luật pháp và quy định của Trung Quốc.
Gần đây nhất Capvision Partners, công ty tư vấn có trụ sở tại New York và Thượng Hải, cũng bị cảnh sát đột kích. Capvision hiện đang cung cấp dịch vụ kết nối 450.000 “chuyên gia” trong các ngành công nghiệp khác nhau, với khách hàng bao gồm hầu hết công ty tư vấn hàng đầu thế giới, công ty đầu tư mạo hiểm và tư nhân lớn nhất đầu tư vào Trung Quốc, cũng như các công ty chứng khoán tài chính lớn nhất của đất nước.
Truyền thông nhà nước cho biết công ty đã “không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ” trong việc ngăn chặn hoạt động gián điệp, nên các quan chức đã khám xét một số văn phòng của công ty ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu và Thâm Quyến.
Cảnh sát nói với Đài truyền hình Giang Tô rằng Capvision đã thường xuyên liên lạc với “nhân viên có liên quan đến bí mật” trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như các quan chức trong các lĩnh vực như quốc phòng và khoa học.
Các nhà chức trách cáo buộc Capvision thuê các chuyên gia tư vấn “với mức thù lao cao” để “thu thập bất hợp pháp nhiều loại dữ liệu nhạy cảm”, mà họ cho rằng gây ra “rủi ro lớn và mối nguy tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Báo cáo của CCTV cho biết cuộc điều tra đã dẫn đến việc bắt giữ ít nhất 1 nhân viên của một công ty nhà nước, người đã bị kết án 6 năm tù vì tội cung cấp “bí mật nhà nước và thông tin tình báo” cho các khách hàng nước ngoài của Capvision.
Tổn hại dòng vốn FDI
Việc Trung Quốc liên tiếp đột kích văn phòng các công ty nước ngoài có nguy cơ làm tổn hại nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư vào Trung Quốc.
Gerard DiPippo, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, cho biết: “Bất cứ điều gì Trung Quốc đạt được bằng cách hạn chế thông tin “nhạy cảm”, đều không đáng với cái giá phải trả về mặt uy tín nước này đang phải trả với các doanh nghiệp nước ngoài. Các cuộc đột kích sẽ gây hoang mang, đặc biệt với nhà đầu tư và nhân viên địa phương làm việc cho các công ty Mỹ”.
Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết trong một tuyên bố rằng tổ chức này “lo ngại” về các cuộc đột kích. Ông nói: “Nếu không có sự thẩm định thích hợp, các công ty nước ngoài sẽ không thể đầu tư vào các dự án mới ở Trung Quốc”.
Việc Trung Quốc đột kích văn phòng các công ty nước ngoài có nguy cơ làm tổn hại nỗ lực trong việc thuyết phục doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư vào nước này.
Ngay cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các cuộc kiểm tra an ninh khiến các doanh nghiệp nước ngoài sợ hãi. Tháng trước, luật phản gián mới sửa đổi của Trung Quốc đã mở rộng định nghĩa về những gì có thể được hiểu là gián điệp, phản ánh tình trạng an ninh được tăng cường của Bắc Kinh.
Luật này đã cảnh báo các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài, khi quy định việc chia sẻ “tài liệu, dữ liệu, tài liệu và đồ vật” có thể bị coi là gián điệp, nếu thông tin đó “có liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia”, một tiêu chí được coi là quá rộng.
Các sửa đổi báo hiệu sự tập trung mới của Bắc Kinh vào việc hạn chế dòng thông tin họ coi là thông tin nhạy cảm đối với các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài. Trung Quốc đã hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào cơ sở dữ liệu học thuật lớn nhất phân phối các tài liệu nghiên cứu, luận án và số liệu thống kê, trong khi có báo cáo rằng quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp của quốc gia đã bị hạn chế đối với một số người dùng ở nước ngoài.
Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ về những hạn chế đối với công nghệ vi mạch và sự bất an ngày càng tăng về sự thống trị của Trung Quốc đối với các vật liệu và linh kiện được sử dụng trong sản xuất xe điện. Dòng chảy tự do của hàng hóa đã giúp xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu ràng buộc Mỹ và Trung Quốc với tư cách là đối tác kinh tế, nhưng những mối quan hệ đó hiện đã bị lung lay.
Capvision được thành lập vào năm 2006 bởi các cựu chuyên gia tư vấn của Bain và chủ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nó có trụ sở tại New York và Thượng Hải, với 700 nhân viên, theo trang web của công ty. Vào năm 2021, Capvision đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu đại chúng tại Hồng Kông mặc dù cổ phiếu của hãng chưa bao giờ ra mắt. Trong một bản cáo bạch của nhà đầu tư, công ty cho biết họ là nhà cung cấp “dịch vụ tri thức chuyên gia” lớn nhất ở Trung Quốc, chiếm 33% thị trường với doanh số bán hàng lớn gấp 5 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất.
Tin tức về các cuộc tấn công vào các công ty tư vấn vào tháng trước đã khiến Phòng Thương mại Mỹ, một cơ quan vận động hành lang đầy quyền lực ở Washington, phát cảnh báo về rủi ro gia tăng khi kinh doanh ở Trung Quốc.
Ông DiPippo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường quan trọng đối với các công ty phương Tây, nhưng nhiều công ty sẽ ngày càng đa dạng hóa đầu tư vào các quốc gia khác vì rủi ro ngày càng tăng. Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi tâm lý kinh doanh và đầu tư tư nhân được cải thiện”.