'Đột nhập' trung tâm giao thông 'siêu' thông minh ở Hà Nội

Hệ thống camera ngoài việc phát hiện phương tiện vi phạm, chụp lại biển số với hình ảnh rõ nét, còn có thể nhận biết hạ tầng giao thông xuống cấp để các cơ quan chức năng kịp thời cảnh báo, khắc phục.

Hệ thống camera ngoài việc phát hiện phương tiện vi phạm, chụp lại biển số với hình ảnh rõ nét, còn có thể nhận biết hạ tầng giao thông xuống cấp để các cơ quan chức năng kịp thời cảnh báo, khắc phục.

Tự động bắt lỗi xe vi phạm

Chiều 13/8, có mặt ở Trung tâm điều hành giao thông thông minh (thuộc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội), ghi nhận của PV, hệ thống màn hình lớn tích hợp các màn hình nhỏ tại đây ghi lại hình ảnh rõ nét về hoạt động giao thông tại các nút giao quan trọng.

Bên trong Trung tâm Điều hành giao thông thông minh.

Bên trong Trung tâm Điều hành giao thông thông minh.

Từ đó, cán bộ trực có thể quan sát một cách toàn diện, tổng thể về tình trạng giao thông trên nhiều tuyến đường cùng một lúc.

Hệ thống camera đang cho thấy tình hình giao thông trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy). Đây là tuyến đường đang có 2 điểm được lắp camera thí điểm phạt nguội ô tô, xe máy.

Lúc 15h20 ở nút giao Phạm Văn Bạch - Ngõ 9, hình ảnh từ hệ thống cho thấy, xe ô tô BKS 30G - 523.xx dừng chờ đèn đỏ đã đè quá vạch kẻ. Camera tự động chụp lại, bắt nét vào biển số và hiển thị rất rõ trên màn hình.

Lúc 15h35 ở nút giao Hoàng Quán Chi, hàng chục phương tiện xe máy vượt đèn đỏ ở cùng thời điểm cũng đều được camera thông minh nhận diện. Các hình ảnh này đều được cán bộ làm nhiệm vụ ở trung tâm lưu lại, gửi sang cơ quan chức năng để phạt nguội.

Đèn tín hiệu tự điều hướng

Ưu điểm của camera ở đây không chỉ có vậy. Các nút đèn tín hiệu thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch còn thông minh đến mức tự đo đếm lưu lượng các hướng để điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu cho phù hợp với trạng thái giao thông.

Hình ảnh về hoạt động giao thông tại các nút giao quan trọng được ghi lại rõ nét.

Hình ảnh về hoạt động giao thông tại các nút giao quan trọng được ghi lại rõ nét.

Trên màn hình camera thông minh cũng ghi nhận rất sâu về tình trạng mặt đường. Đơn cử, trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) đoạn gần Công ty TNHH Ô tô xe máy Khải Phát xuất hiện 2 vị trí ổ gà, hố ga lõm sâu so với mặt đường gây mất ATGT đều được hệ thống cảnh báo bằng clip, vị trí, hình ảnh. Từ đây, bộ phận quản lý sẽ báo về đơn vị quản lý đường để kịp thời khắc phục. Những cảnh báo về cây đổ, phương tiện chiếm dụng vỉa hè… đều được camera hiển thị.

Đáng chú ý, hoạt động của cả nghìn xe buýt đều được hệ thống camera và các cán bộ phụ trách ở trung tâm giám sát. Trường hợp xe nào bỏ chuyến, bỏ bến, vi phạm giao thông, đều được nhận diện để làm căn cứ xử phạt doanh nghiệp buýt theo hợp đồng thầu, đặt hàng.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành và Quản lý giao thông Hà Nội cho biết, các chức năng của hệ thống trong giai đoạn thí điểm bao gồm: Hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Trong đó, chức năng quản lý đỗ xe và thanh toán vé điện tử sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của Hà Nội đã sẵn sàng đưa vào vận hành.

"Hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu", bà Thảo nói.

Cần cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng Đề án giao thông thông minh, trong đó đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và đầu tư. Việc đưa vào khai thác trung tâm này là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh.

Theo GS. TS Nguyễn Hùng Lân, Trường Đại học GTVT, bài toán đặt ra với giao thông Hà Nội là cần hướng tới sự hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và giải quyết vấn đề liên quan môi trường.

Ông Lân cho rằng, để phát triển hệ thống giao thông thông minh, bền vững cần có lộ trình cụ thể với 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 kiện toàn xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông, kết nối nguồn dữ liệu, vé liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng.

Giai đoạn 2 hình thành hệ thống giao thông thông minh, xây dựng trung tâm điều hành, tích hợp, đổi mới phương thức quản lý, phát triển ứng dụng cơ bản, đầu tư, lắp đặt hệ thống ngoại vi và thu phí nội đô.

Giai đoạn 3 tập trung vào phát triển bền vững, trong đó cần vận hành và khai thác hiệu quả, tăng cường ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số và thu phí nội đô.

"Về cơ chế, cần có chính sách khuyến khích hợp tác công - tư trong xây dựng, vận hành, khuyến khích hoạt động đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ", ông Lân góp ý.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để thu hút tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh, Hà Nội sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dot-nhap-trung-tam-giao-thong-sieu-thong-minh-o-ha-noi-192240828165401072.htm